Trong cuộc sống, liệu có mấy ai đã chưa từng trải qua những ngày tháng túng quẫn. Có người không đủ tiền đóng học phí cho con, có người bữa no bữa đói, có người ráng gồng cả gia đình trên đôi vai gầy guộc. "CƠM-ÁO-GẠO-TIỀN", cụm từ ấy nói lên bao nhiêu nỗi than thở, trong cả những giọt nước mắt rơi trên mâm cơm, trong ánh mắt ngại ngùng khi đi vay mượn. Nhưng cũng chính cụm từ ấy, đôi khi lại bị mang ra làm cái cớ để biện minh cho những hành vi đen tối mà lương tâm con người không thể chấp nhận và cho phép.

(Minh họa)
Khi nghèo đói là tấm áo che dấu cho cái sai
Ở một góc chợ nhỏ, người đàn ông bán rau lặng lẽ cân thiếu rau cho khách. Khi bị phát hiện ra, ông chỉ cúi đầu:
"Tôi biết là sai… nhưng mấy ngày nay ế ẩm quá, nhà còn ba miệng ăn phải lo toan".
Trên mạng, người phụ nữ livestream bán hàng lừa đảo, tặng son giả, kem kém chất lượng. Khi bị cộng đồng lên án, chị ta chỉ nói:
"Tôi cũng cần nuôi con, khổ lắm ai ơi…"
Chúng ta có thể cảm thông với nỗi nghèo khó, nhưng liệu có thể tha thứ cho gian dối được hay không?
Chúng ta thấy đau với nỗi đau của người nghèo, nhưng chúng ta cũng biết rõ: đói nghèo không phải là cái cớ để sống lệch lạc bất chấp đạo lý.
Trên thực tế, có biết bao người dù nghèo nhưng vẫn sống ngay thẳng. Cụ bà bán vé số không thối lộn tiền dù người mua không biết. Anh thợ hồ nhặt được ví tiền liền tìm cách đem trả lại. Họ nghèo nhưng giữ được sự giàu có trong tâm hồn.
Nghèo không đáng phải xấu hổ. Nhưng lấy cái nghèo để che đậy cái sai thì là một điều đáng buồn, đáng trách.
Khó khăn không phải là lý do, mà là phép thử thách
CƠM-ÁO-GẠO-TIỀN, đúng là gánh nặng. Nhưng cũng là phép thử cho nhân cách một con người.
Khi cuộc sống đẩy chúng ta vào đường cùng, chúng ta có hai con đường để lựa chọn: hoặc giữ mình luôn trong sạch, dù có chậm hơn người khác; hoặc là chọn đường tắt, dù biết rõ phía trước là vực sâu.
Năm ấy, anh tài xế xe ôm nghèo bị mất khách vì đã từ chối không chở hàng lậu thuê.
Khi được hỏi lý do vì sao, anh chỉ nói: "Cũng khổ chứ em, nhưng tiền đó không sạch, mang tiếng cả đời đó chứ không thể giỡn được".
Ngược lại, có người lại chọn gian lận, trộm cắp, buôn bán bất lương, rồi đổ lỗi:
"Tại tôi nghèo". Nhưng thử hỏi xem: nếu hôm nay chúng ta nghèo mà lại chối bỏ lương tâm, thì khi giàu có, liệu chúng ta còn giữ được gì ngoài sự trống rỗng trong lương tâm?

(Minh họa)
Lỗi không ở nghèo, mà ở cách nhìn nhận cái nghèo
Xã hội ngày nay đôi khi quá đề cao sự thành công về vật chất, đến mức khiến cho người nghèo luôn cảm thấy bị mặc cảm, tự ti. Và trong sự dồn ép ấy, một số người bắt đầu chuyển hóa cái nghèo thành sự phẫn uất, rồi biện minh cho hành vi sai trái như một cách để phản kháng, chống đối lại.
Nhưng cái nghèo, tự thân nó không làm hại bất cứ ai cả. Chỉ khi người ta đánh mất lòng tự trọng, cái nghèo mới trở thành vấn đề.
Một người nghèo mà giữ đạo đức, sống tử tế, sẽ là người rất đáng được kính nễ.
Một người giàu mà vô lương tâm, sẽ là người rất đáng ghét và bị khinh khi.
Nghèo không làm hạ thấp nhân cách con người. Chỉ có hành vi sai trái mới làm hạ thấp giá trị con người.
Sự thật dù không dễ nghe, nhưng cần phải được nói ra
Có những điều tuy không dễ nói, nhưng nhất định phải nói ra: Không phải lúc nào khi gặp khó khăn cũng có thể bào chữa cho những điều hoặc hành vi sai trái.
Không phải cứ nghèo là được phép làm bậy.
Không phải cứ khổ là được quyền lừa lọc, gian dối, bẻ cong sự thật.
Nếu hôm nay chúng ta để cho
"CƠM-ÁO-GẠO-TIỀN" trở thành lý do để biện bạch cho mọi hành vi sai lệch, thì ngày mai, con cái chúng ta sẽ học theo điều gì tốt đẹp hoặc hay ho gì? Chúng sẽ tin rằng:
"Miễn có lý do đủ làm cho cảm động, thì điều gì cũng có thể tha thứ dù là đen tối, giảo quyệt?"
Một xã hội không thể bền vững được nếu lòng vị tha trắc ẩn bị lạm dụng, nếu đạo lý bị xem nhẹ chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy.
Hành trình đi qua gian khó, chỉ có đạo đức mới là chỗ dựa vững chắc
Có những người đã bước qua cảnh đói nghèo với lòng kiên trì và sự chính trực. Họ không làm điều gì sai trái dù có nhiều cơ hội. Họ biết rằng, chỉ có cái đúng mới tồn tại lâu dài. Cái sai, dẫu dễ đi, dễ làm cũng chỉ là khúc quanh dẫn đến thất bại sau cùng.
Một người phụ nữ đi quét rác đêm từng nói:
"Tôi tuy không có tiền, nhưng tôi có lòng tự trọng".
Người ta có thể mất nhà, mất việc, mất tiền, nhưng nếu còn giữ được lương tâm trong sáng, thì vẫn còn cơ hội để làm lại từ đầu.
Còn nếu đánh đổi cả đến lẽ phải chỉ để thoát nghèo tạm thời, cái giá phải trả sẽ là sự mất mát lâu dài: mất đi sự bình yên trong tâm, mất đi lòng tin của người khác, và đôi khi mất luôn cả chính mình.
Giữ mình trong cơn bão, đó mới là dũng khí.
CƠM-ÁO-GẠO-TIỀN quả là thực tế trong cuộc sống. Là nỗi lo mà không có một ai có thể dám phủ nhận. Nhưng cũng chính trong đói khổ, con người mới bộc lộ rõ bản chất. Người tử tế không cần giàu có để sống cho đúng với lương tâm, với bản ngã trong sạch. Và người sống khi biết đúng, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày bình an đến bên đời họ.
Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, xin đừng để mất lòng tin. Xin hãy nhớ:
Khó khăn có thể vắt kiệt túi tiền, nhưng không thể lấy đi lương tâm của bạn, nếu bạn không cho phép nó làm ra điều đó.
Và nếu bạn đã từng trót sai, hãy dừng lại, nhìn thẳng, và chọn lại, vì sống lương thiện chưa bao giờ là quá muộn màng cả.