
(Ảnh minh họa: Edoardo Ceriani/Unsplash)
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí
Time ngày 25 tháng Tư, Tổng thống Donald Trump nói rằng, bán đảo Crimea từ lâu đã thuộc về Nga.
Khi được hỏi liệu ông có chấp nhận việc Ukraine phải nhượng cho Nga Crimea và 4 tỉnh miền Đông mà Nga đã tuyên bố sáp nhập hay không, thì ông Trump đáp:
"Crimea sẽ ở lại với Nga". Vậy là tờ
Financial Times đã đúng khi đưa tin này mấy ngày trước.
Và ông Trump cho rằng,
chính cựu Tổng thống Obama "đã giao" bán đảo này cho Nga. Nghĩa là ông Trump cho rằng sự bạc nhược của ông Obama đã khiến cho Ukraine bị mất Crimea, còn
về phần ông, không hề có lỗi về việc đó. Điều đáng chú ý là ông Trump chỉ nói
"Crimea nên thuộc về Nga", chứ
không nói "Crimea và 4 tỉnh miền Đông nên thuộc về Nga". Hẳn là vì ông biết rằng Kyiv chỉ chấp nhận mất Crimea là cùng, chứ không đời nào chấp nhận mất cả 4 tỉnh miền Đông, dẫu đến giờ này Tổng thống Zelensky vẫn khăng khăng không chịu mất Crimea hay bất cứ một tấc đất nào cho kẻ thù xâm lược.
Xem ra trong tình hình lúc này, để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, Kyiv rất có thể buộc phải chấp nhận mất đi Crimea, dù hoàn toàn không muốn. Mới đây, Thị trưởng Kyiv là ông Vitali Klitschko đề xuất Ukraine nên
"tạm thời nhượng đất cho Nga để tạm thời được sống trong hòa bình", trong bối cảnh Ukraine đã và đang phải chịu nhiều áp lực từ Mỹ nhằm sớm kết thúc cuộc chiến. Ông Klitschko không nói rõ, liệu rằng Ukraine sẽ phải nhượng vùng lãnh thổ nào cho Nga.
Có thể đó chính là Crimea. Chữ
"tạm thời" ở đây có thể hiểu là Ukraine chấp nhận sự kiểm soát của Nga đối với bán đảo này về mặt thực tế, nhưng không công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo này về mặt pháp lý. Nghĩa là vào một thời điểm thuận lợi nào đó khi điều kiện cho phép, Ukraine sẽ tái chiếm lại Crimea, nếu không bằng con đường pháp lý thì bằng con đường vũ lực.
Trong chính giới Ukraine hiện tại, bên cạnh những người có lập trường cứng rắn quyết không nhượng bộ Nga dưới bất cứ hình thức nào, thì vẫn có một số tỏ ra mềm mỏng. Họ cho rằng, nếu cần thì Ukraine cũng nên có một sự nhượng bộ nào đó với kẻ thù để đổi lấy hòa bình. Ông Klitschko, vốn được cho là một đối thủ chính trị của ông Zelensky, là một người có lập trường như vậy.
Xem ra đề xuất của ông Klitschko, tuy là một sự lựa chọn bất đắc dĩ và đau đớn với Ukraine, có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài này. Tuy nhiên, nhiều người khác lại không tin Nga, một khi đã chiếm được Crimea, thậm chí cả 4 tỉnh miền Đông, Putin sẽ chịu dừng lại mà không lấn lướt tới với việc xâm lược các nước láng giềng khác. Đây là điều mà Âu Châu lo ngại và đặt ra một
"lằn ranh đỏ" cho các cuộc đàm phán về Ukraine. Âu Châu trước sau gì cũng không chấp nhận chuyện Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga, và cho rằng việc Ukraine nhượng hay không nhượng đất cho Nga phải do chính người Ukraine quyết định, các nước khác (được hiểu là Mỹ) không được xía vào.
Giới quan sát tin rằng Kyiv sẽ phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nếu Washington cắt hoàn toàn nguồn quân viện cho Ukraine như một cách gây ra áp lực lớn buộc Kyiv phải ký vào một thỏa thuận hòa bình đầy những thiệt thòi cho Ukraine. Những lời kêu gọi gần đây của ông Zelensky về việc cung cấp thêm các hệ thống phòng không Patriot vẫn chưa được Washington đáp ứng. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda mới đây nói rằng Kyiv sẽ phải chấp nhận những nhượng bộ nhất định nếu muốn có hòa bình với Nga.
"Nhượng bộ nhất định" đó là gì? Phải chăng ông Duda muốn nói Ukraine nên nhượng bộ Nga về lãnh thổ nhưng ông không nói thẳng ra vì lý do tế nhị?
Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump từng bày tỏ Mỵ không bao giờ công nhận Crimea là của Nga. Nhưng nay ông lại nói khác đi. Có người cho rằng ông là kẻ
"sáng nắng chiều mưa", nay nói như thế này mai lại nói khác, chẳng hơi đâu mà nghe. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng ông Trump là một chính trị gia biết linh động với tình hình chứ không tỏ ra cứng nhắc. Theo họ, ông Trump không cứng nhắc thì ông Zelensky cũng đừng nên cứng nhắc. Nghĩa là họ cho rằng ông Klitschko có lý khi đề xuất việc
"tạm thời nhượng đất cho Nga để tạm thời được sống trong hòa bình".
Có thể nói rằng Kyiv hiện đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Washington thì ra sức chèn ép, còn Âu Châu dù có hết lòng ủng hộ Kyiv nhưng lại không giúp được gì nhiều. Với Ukraine, hòa bình đang ở rất gần, mà cũng có thể là rất xa.