Fed cùng 5 Ngân hàng Trung ương lớn phối hợp giảm căng thẳng USD
Fed hạ chi phí cho vay USD khẩn cấp áp dụng với các ngân hàng châu Âu trong nỗ lực hợp tác cùng các Ngân hàng Trung ương khác để làm dịu khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Lãi suất hợp đồng hoán đổi tiền tệ (SWAP) qua đêm của đồng USD đã được điều chỉnh giảm xuống 0,05 điểm phần trăm từ mức 0,1 điểm phần trăm trước đó, có hiệu lực từ ngày 05/12/2011.
Fed sẽ phối hợp với Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Nhật, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ trong chương trình này.
Fed và 5 Ngân hàng Trung ương muốn làm giảm căng thẳng trên thị trường. Fed muốn giúp các Ngân hàng Trung ương khác hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu tốt hơn.
Hôm nay, chi phí vay USD của các ngân hàng châu Âu leo lên mức cao nhất trong 3 năm bởi thị trường lo sợ về khả năng khu vực đồng tiền chung châu Âu tan rã do lãnh đạo châu Âu không thể thống nhất tăng được quy mô cho quỹ giải cứu lên mức như cam kết ban đầu.
Ông Jens Sondergaard, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Nomura International ở London, nhận định: “Bất cứ khi nào các Ngân hàng Trung ương cùng hợp tác, mọi chuyện sẽ mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên liệu có thay đổi được tình hình không khi trung tâm của vấn đề nằm chính ở thị trường nợ công châu Âu?”
6 Ngân hàng Trung ương thống nhất tạo ra chương trình hoán đổi song phương để nguồn cung tiền của bất kỳ loại tiền nào sẽ được đảm bảo nếu thị trường có nhu cầu. Chương trình có hiệu lực đến 01/02/2013.
TTCK châu Âu đã tăng điểm mạnh sau thông tin trên, TTCK Pháp tăng 3%; TTCK Đức tăng 3,3% còn TTCK Anh tăng 2,2%. Các chỉ số chính trên TTCK Mỹ tăng hơn 3%.
Đồng euro tăng giá lên mức 1,3450USD/euro từ mức 1,3317USD/euro. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức 2,06% từ mức 1,99%.
Theo chương trình hoán đổi thanh khoản USD, Fed cho ECB và nhiều Ngân hàng Trung ương khác vay USD đổi lại sẽ nhận đồng tiền khác, trong đó có euro. Ngân hàng Trung ương cho các ngân hàng thương mại vay USD thông qua đấu giá. Loại hình hỗ trợ này đã được thực hiện vào tháng 5/2010 khi khủng hoảng nợ châu Âu căng thẳng.
Trước đó, Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với các ngân hàng lần đầu tiên từ năm 2008. Mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng lớn nhất xuống mức 21% từ mức kỷ lục 21,5%.
Đình Hảo
Theo TTVN
|