Trung Quốc sở hữu tàu sân bay, thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng không khoanh tay đứng nhìn…
Ngày 11/8, tờ Huffington Post, Mỹ đưa tin, mặc dù Trung Quốc đã có tàu sân bay nhưng vẫn chưa thể “bá chủ một vùng”. Bởi vì, các nước láng giềng của họ cũng muốn phát triển lực lượng tàu sân bay. Điều này sẽ tạo ra sự cân bằng đa cực về sức mạnh trên biển giữa các nước.
Nhật-Hàn-Ấn chạy đua tàu sân bay với Trung Quốc
|
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc vừa hoàn thành thử nghiệm |
Giáo sư sử học hải quân, Đại học Stanford Mỹ, Eric Grove cho biết, Trung Quốc triển khai tàu sân bay sẽ khiến cho các vùng biển xung quanh trở thành “điểm nóng” tiềm tàng trên thế giới, tức là tàu sân bay có thể làm gia tăng xung đột giữa hải quân Trung Quốc và các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Bài viết cho rằng, Trung Quốc còn có thể đối đầu với hải quân Mỹ. Bởi vì Mỹ có siêu tàu sân bay động cơ hạt nhân George Washington đóng tại Nhật Bản và có lực lượng thường trú ở khu vực.
Eric Grove cho biết: “Ở đây sắp xuất hiện sự cân bằng đa cực lý thú, bởi vì Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều muốn gây ảnh hưởng trong khu vực. Trong đó, Ấn Độ đang phát triển tàu sân bay, nên đặc biệt chú ý đến sự phát triển của tình hình.
Đây có thể là sự khởi đầu cho cuộc chạy đua hải quân Trung-Ấn, hai nước đều có quyết tâm phát triển, hơn nữa họ có lợi ích đan xen ở Ấn Độ Dương. Đặc biệt còn có sự cân nhắc về việc Trung Quốc rất quan tâm đến khai thác các nguồn lực kinh tế ở châu Phi”.
Hàn Quốc hiện cũng đang bàn đến kế hoạch phát triển tàu sân bay, còn Nhật Bản đang chế tạo tàu khu trục cỡ lớn có thể cất/hạ cánh máy bay cánh cố định.
Tàu sân bay Thi Lang chỉ là sự khởi đầu của một kế hoạch
Tàu sân bay Thi Lang chạy thử còn có ý nghĩa lâu dài hơn. Việc cải tạo nó chẳng qua chỉ là một bước của kế hoạch tàu sân bay lớn hơn.
Eric Grove nói: “Họ mua tàu sân bay cũ của Nga là để tích lũy kinh nghiệm. Họ sử dụng con tàu này để học cách sử dụng. Trên cơ sở đó, họ có thể chế tạo một số tàu sân bay mới. Trung Quốc sắp có hải quân có tầm cỡ, tầm với toàn cầu”.
Eric Grove cho rằng: “Trung Quốc đang cố gắng phát triển hiện đại hóa quân sự. Họ cần có hải quân mạnh để lãnh đạo khu vực, đồng thời kiểm soát khu vực tuyến đảo thứ nhất và tuyến đảo thứ hai.
Họ có lợi ích ở trong và ngoài khu vực, chẳng hạn bảo vệ tàu thuyền đi qua Ấn Độ Dương… Rõ ràng là, các nước Viễn Đông và Đông Nam Á đang tăng cường sức mạnh hải quân bằng cách chế tạo tàu sân bay. Nó đang diễn ra và sẽ đẩy mạnh hơn trong tương lai”.
Ông còn cho rằng: “Tàu sân bay hạ thủy có thể lập tức làm thay đổi cân bằng khu vực, nhưng về lâu dài nó chỉ là sự khởi đầu của xu thế cân bằng. Đến năm 2030, lực lượng hải quân các nước trong khu vực sẽ đạt tới một trạng thái cân bằng sức mạnh”.
Đông Bình(Theo Tân Hoa Xã)