Cháu ngoại nghệ sĩ cho biết: "Ông ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Đó là điều an ủi duy nhất trong nỗi đau lớn này".
Người cháu nói thời gian trước khi bệnh trở nên trầm trọng, ông vẫn vẽ hàng ngày.
Ông vẽ chân dung ba cháu nội và chắt (con trai anh Vũ). Ông vẽ phong cảnh làng quê với hình ảnh thôn nữ đang gieo mạ, tranh tĩnh vật như những lọ hoa, cây hoa xung quanh mình.
Những năm cuối đời, ông vẫn hàng ngày đọc và tổng hợp tài liệu, như tính cách từ trước tới nay của ông - luôn làm việc, suy nghĩ không ngừng.
Nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934 tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông đến với mỹ thuật, tham gia khóa học đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Tốt nghiệp, ông vào phục vụ trong quân đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều ký họa kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1956, ông được cử đi học khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô (cũ). Về nước, ông làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.
Năm 1963, ông ra mắt phim hoạt hình đầu tiên - Một ước mơ. Loạt tác phẩm sau đó của ông gây tiếng vang như Dế Mèn phiêu lưu ký, Chuyện ông Gióng, Trê cóc, Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Thạch Sanh, Rừng hoa, Bộ đồ nghề nổi giận, Bước ngoặt, Phép lạ hồi sinh...
Ông giành nhiều giải lớn như Bông sen vàng, Bông sen bạc, các bằng khen của ban giám khảo tại các kỳ liên hoan phim Việt Nam. Một trong những phim khẳng định tài năng, phong cách làm phim ấm áp, dung dị mà không kém phần hấp dẫn của ônh là Mèo con (dựa theo truyện ngắn Cái Tết của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi). Bộ phim được Ủy ban Văn hóa đối ngoại gửi đi tham dự Liên hoan phim quốc tế Rumani năm 1966 và giành giải Bồ nông bạc trong sự bất ngờ của chính tác giả.
Nhiều đồng nghiệp đánh giá Ngô Mạnh Lân tạo được nét riêng khi làm phim ở nhiều thể loại. Các tác phẩm của ông có sự độc đáo thuộc về bản sắc dân tộc trong những phim truyền thuyết, cổ tích; chất thâm thúy trong những phim mang tính triết lý phê phán; nét tươi vui, hóm hỉnh trong những phim đồng thoại...
Khi được hỏi về cái duyên với hoạt hình cho trẻ con, Ngô Mạnh Lân từng nói: "Bước vào nghề rồi gắn bó với nghề, tôi hiểu rằng, đồ họa cho thiếu nhi phù hợp với tạng của mình. Tôi yêu sự hồn nhiên, trong trẻo của con trẻ. Cuộc đời tôi, nghệ thuật của tôi luôn muốn thể hiện những ước mơ thơ trẻ".
Trọn một đời, ông dành tình yêu và đam mê cho phim hoạt hình, với vai trò là đạo diễn 17 phim và họa sĩ 5 phim của các thể loại hoạt hình và khoa học. Ngoài làm phim, ông còn tham gia công tác đào tạo chuyên ngành và viết sách, viết báo về những vấn đề liên quan tới nghệ thuật phim hoạt hình.
Ông được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991. Bên cạnh công việc đạo diễn, ông còn là một họa sĩ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã vẽ nhiều ký họa, tranh sơn dầu, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh... Ông là người đầu tiên vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký năm 1959, sau đó tiếp tục vẽ minh họa tác phẩm năm 1972 và năm 1989. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1997 và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Ngoài đời, ông được ngưỡng mộ với cuộc hôn nhân hơn 50 năm bên Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Lan. Ông bà yêu nhau từ những năm 1960, khi mới gặp tại Moskva, Nga. Con cháu ông sau này đều trở thành tên tuổi trong giới nghệ thuật, như tiến sĩ Ngô Phương Lan - nhà phê bình điện ảnh, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, cháu ngoại - đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ (Cuộc đời của Yến, Truyền thuyết về Quán Tiên)...