Đến hẹn lại lên, dịp tết là thời điểm “cò” vé tàu tấp nập hoạt động, mỗi ngày kiếm hàng triệu đồng, trong khi hàng ngàn hành khách phải vật vờ mệt mỏi vì chầu chực mua vé.
Trong khi phía trong nhà ga Sài Gòn, hàng trăm hành khách nằm ngủ vật vờ để chờ mua vé tàu tết thì phía ngoài, hàng chục "cò" vé hoạt động hết công suất, thi nhau "móc túi" hành khách mà không gặp trở ngại gì mấy với cơ quan chức năng.
Những con đường như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thông đoạn trước ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) thời điểm này nhộn nhịp giới "cò" vé tàu tết. Ai cũng có thể là "cò", từ người chạy xe ôm, bán hàng dạo cho đến chủ quán cơm bụi...
Hai "cò" vé tại quán cà phê cóc trước ga Sài Gòn.
Từ đường Nguyễn Thông vào gần cổng ga sẽ thấy bên phải là nhóm "cò" 3 - 5 phụ nữ, quán cà phê bên trái là nhóm “cò” đàn ông, cùng đội quân xe ôm chú tâm tìm “mồi”. Còn bên đường Nguyễn Phúc Nguyên, lượng “cò” đông không kém, tràn cả hai bên lề đường.
Ước tính, thời điểm này tại cổng nhà ga có khoảng 30 "cò" động, còn nếu tính luôn các "chân rết" là người thân, họ hàng của "cò" lảng vảng trong ga tìm "mồi’ thì còn đông hơn gấp đôi.
Chiều 10/12 (là ngày bắt đầu đăng ký mua vé tàu tết), trong vai người mua vé đi Huế vào ngày 27 tháng chạp, chúng tôi tiếp cận nhóm “cò” thường trực tại quán cà phê cóc trước ga. Khu này là "lãnh thổ" của nhóm "cò" nữ lâu năm do một người mập mạp tên C. quản lý. Khi PV tiếp xúc, bà ta không ngớt quảng cáo "thương hiệu" của mình: “Lên mạng đăng ký thì biết chừng nào có vé hả em? Ra đây mà mua, vé đi đâu, ngày nào dì cũng có, đảm bảo giá rẻ. Dì làm mấy chục năm ở đây rồi, uy tín lắm, vào trong ga chen chúc chi cho mệt”.
Tiếp đó, bà C. kêu chúng tôi đưa giấy chứng minh rồi giao lại cho một người khác để đăng ký vé. Theo tìm hiểu, mỗi tài khoản mà bà đăng ký mua được đến 8 vé. Trước đó, bà C. cùng người thân đã tạo nhiều tài khoản và trực máy tính chờ đăng ký số thứ tự lấy vé tàu. Từ những tài khoản này, bà C. chỉ cần lấy giấy chứng minh, thông tin khách hàng điền vào là xong. Mỗi lần bà C. đăng ký vé mua cho khách thì lấy 200.000 đồng, bà cho rằng giá này là “hữu nghị trà nước".
Ngày 16/12 là thời gian người đăng ký mua vé thanh toán tiền và nhận vé, chúng tôi tiếp tục lang thang trước cổng ga Sài Gòn. Khi biết chúng tôi không mua được vé, “cò” tên S. chào mời: “Em đi đâu anh đưa vé cho, giá rẻ hơn mấy thằng bên kia cho tụi em về quê ăn tết ngon lành”. Chúng tôi nói cần 2 vé về Vinh ngày 25 tết, “cò” S. liền thò tay vào túi rồi móc ra xấp vé khá dày. Người này lựa ra 2 vé đi Vinh ngày 25 tết rồi ra giá cao hơn trong ga tới 300.000 đồng, kèm theo lời dọa: “Không mua vài ngày nữa hết vé ráng chịu nghe em, mà nếu còn thì giá cũng không “mềm” như bây giờ đâu".
Một "cò" vé tàu tết ghi thông tin khách mua vé.
Với lý do không đem đủ tiền, chúng tôi tách khỏi “cò” S. với lời hẹn ngày mai trở lại, nhưng khi đi khoảng 10m thì 2 “cò” khác lập tức chụp lấy: “Đi về đâu em, chị lấy rẻ cho, thằng đó ("cò" S.) lấy mắc lắm, tụi chị làm ăn uy tín ở đây mà”. Theo tìm hiểu, cách mà "cò" có trong tay nhiều vé là nhờ nhiều người thân, mượn chứng minh nhân dân đăng ký hàng chục, thậm chí hàng trăm tài khoản trên mạng để xí vé trước.
Phía ngoài nhà ga thì "cò" nhộn nhịp mua bán, còn bên trong nhà ga thì chật chội, nóng bức bởi hàng trăm người chờ đến lượt mua vé. Nhiều ngày thực tế tại ga, chúng tôi chứng kiến nhiều hành khách vật vờ, mệt mỏi, ngủ thiếp đi trên ghế vì chờ đến lượt mua vé trong không gian chật cứng người.
Trường Nguyên
Theo Infonet