(VTC News) – Khi phân làn đường, xe buýt đang đi làn ô tô phải vòng sang làn xe máy để đón khách, tiềm ẩn những mối nguy hiểm...
Trong hôm nay, 10/11 và ngày mai, Hà Nội sẽ quyết định phân làn thêm 8 tuyến phố nữa, theo nguyên tắc: “ô tô một bên, xe máy một bên”.
Trước đó, cuối tháng 9, Hà Nội thí điểm phân làn trên phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Giải Phóng, Kim Mã.
Do khuất xe buýt nên có thể xe máy sẽ đâm phải biển báo phân làn, nếu không quan sát kỹ. Ảnh chụp trên phố Huế sáng nay 11/10.
Tuy nhiên nhiều lái xe buýt đã chỉ ra điểm bất hợp lý khi phân làn. Đó là khi họ đang điều khiển xe ở làn ô tô thì phải vòng vào các bến đón khách, nên sẽ lấn đường của xe máy. Ngược lại, xe máy đi sau phải tránh xe buýt nên phải vòng sang trái, có thể đâm vào biển báo phân làn đặt giữa đường.
Chị Nguyễn Thu Huyền, nhân viên một siêu thị nằm trên phố Lê Thái Tổ cho biết, chị đã chứng kiến cảnh xe buýt tạt ngang để vào bến đón khách, khiến một phụ nữ điều khiển xe máy đi sau không nhìn thấy biển báo phân làn, nên đã đâm vào. Rất may do tốc độ đi chậm nên không có tai nạn xảy ra.
Còn anh Trần Vương Hưng, lái taxi thì tỏ ra bức xúc khi không đón được khách vì “nếu ô tô cứ đi một bên thì khách đứng trên vỉa hè có vẫy mỏi tay chúng tôi cũng không dám vào đón. Nếu dừng đỗ sai là bị phạt gần 1 triệu đồng, bằng tiền chạy xe vài ngày”.
Trước phản ảnh của người dân như vậy, trao đổi với VTC News sáng 11/10, Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiếp thu điểm hạn chế khi phân làn. Vị này cũng cho biết, đây là những giải pháp trước mắt của Sở, nhưng về lâu dài, phải triển khai đầu tư đồng bộ giao thông trên cao và đường ngầm…mới giải quyết triệt để được những bức xúc của người tham gia giao thông.
Nói về những tai nạn do đâm phải biển báo phân làn, Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khuyên mọi người nên đi chậm, quan sát cẩn thận vì họ đã để biển và giải ngăn cách rất lớn chứ không chôn xuống đất để “lừa” người đi đường. “Tất cả chỉ vì hạn chế tắc đường, vì cái chung chứ không ai muốn người dân bị tai nạn cả” – Đại diện này cho biết.
Với trường hợp taxi không đón được khách, Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc đón khách phải thực hiện ở các điểm cho phép chứ không thể bừa bãi. Ở các nước có giao thông phát triển, họ cũng quy định những điểm nào được đón taxi, xe buýt...chứ không phải chỗ nào cũng có thể cho các phương tiện này đỗ.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, chúng ta cần áp dụng hình thức quản lý phù hợp với Việt Nam chứ không nên máy móc theo những nước khác. Cụ thể là chỉ phân làn với đường có mặt cắt ngang rộng, chứ không nên làm thế với đường hẹp.
Xe buýt có thay thế xe máy trong tương lai?
Trao đổi với VTC News, một chuyên gia giao thông phân tích, hiện nay, Hà Nội có khoảng 380 nghìn ô tô và 3,65 triệu xe máy, chiếm khoảng 80% tổng số phương tiện giao thông. Số xe buýt chiếm khoảng 10%.
Ở các nước giao thông phát triển, “tỷ lệ đẹp” của xe buýt là khoảng 13% các phương tiện giao thông. Nên xe buýt không phải là phương tiện đi lại chính của người dân, mà có thể là xe cá nhân, tàu trên cao, tàu điện ngầm…
Hoàng Lan