
-Em có tiền cho anh mượn tạm một ít. Anh đi xe lỡ tông phải một đứa bé, nhà nó bắt đền tuy lỗi do thằng bé gây ra.
Nhận được tin nhắn từ người bạn, chị giật mình gọi lại:
- Thằng bé có bị sao không anh? Tội nghiệp! Bé mấy tuổi rồi ạ?
-Ừm! Không sao! Nó chỉ bị gãy chân thôi! Nhà nó đòi hai mươi triệu mà anh chỉ có mười triệu. Mượn khắp mà không ai cho anh vay cả. Em có thì cho anh vay tạm rồi anh bán rẫy trả tiền cho em. Rẫy nhà anh có người hỏi mua rồi!
- Em không dám hứa nhưng để em xem vì hiện em không có tiền!
- Ừ! Cố giúp anh với nhé! Anh không muốn họ làm to chuyện rồi tới tai cơ quan anh!
Buông điện thoại, chị bần thần. Nhà chị không dư giả gì, chồng ốm đau, hai con còn đi học, chị phải nghỉ hưu sớm về buôn thúng bán bưng kiếm vài đồng phụ vào đồng lương ít ỏi của gia đình. Tính chị hay thương người, thấy ai khó khăn là dang tay giúp đỡ luôn không mưu cầu vụ lợi. Chính vì tính cả nể, hay thương người mà chị bị nhiều người lợi dụng, chồng chị đã nhắc nhở nhiều nhưng rồi chị vẫn mắc phải.
Hôm sau đang mải xếp rau cho khách, điện thoại của chị đổ chuông, mấy cuộc gọi liên tiếp, tiếng chuông như giục giã, thúc giục. Khách đi rồi, chị cầm điện thoại lên xem. Là anh bạn hôm qua hỏi vay tiền chị. Chị bấm máy gọi lại, đầu bên kia bắt máy luôn:
- Em làm gì mà anh gọi mấy cuộc không nghe máy? Có tiền cho anh vay không? Nhà kia đòi ghê quá!
-Vâng, em đang bận dở tay chút! Sao anh không hỏi con anh hay bạn bè anh xem? Thực sự em cũng rất bí ạ.
- Nếu hỏi được ở trong này thì anh đã không cần hỏi tới em! Lúc hoạn nạn mới biết được ai là bạn, ai là bè. Em cố gắng giúp anh đi không họ đưa ra pháp luật thì anh nguy.
Buông điện thoại, chị thở dài. Giúp anh thì chị không có mà không giúp thì chị áy náy khi anh đã mở lời hỏi chị.
Anh và chị là hàng xóm ngày ở quê, anh học trên chị một lớp. Sau này gia đình anh chuyển về thành phố và chị theo chồng lập nghiệp nơi xa nên chị mất liên lạc với anh, chỉ biết tin anh khi chị về quê và sang nhà ông bà anh chơi. Thời gian gần đây anh liên lạc với chị và mối liên hệ được duy trì qua điện thoại và mạng xã hội tới tận bây giờ chứ chưa hề gặp mặt. Chị biết anh hiện làm ở một bệnh viện lớn trong Tây Nguyên và đã li dị vợ. Mối quan hệ giữa chị và anh đơn thuần chỉ là hàng xóm cũ chứ cũng không thân thiết lắm. Nay nghe anh ngỏ lời nhờ vả, chị khó nghĩ quá. Chị nói chuyện với chồng mong anh góp ý. Chồng chị thủng thẳng:
-Người ta đã gọi ra tận đây nhờ vả mình tức là họ rất cần rồi. Nhưng em nên cân nhắc cho kỹ, hàng xóm mấy chục năm không gặp nay lại hỏi vay tiền liệu có tin không? Không lẽ họ không có bất cứ một người bạn nào ở trong ấy có thể cho họ vay tiền được sao? Tốt hơn hết em nên từ chối!
Mấy hôm liền anh gọi cho chị, chị nhẹ nhàng từ chối nên anh không gọi nữa. Tuy vậy, trong lòng chị cũng rất áy náy, biết đâu anh thực sự rất cần và khó khăn khi không thể xoay xỏa được tiền rồi bị ảnh hưởng tới công việc. Hôm ấy, anh gọi lại, giọng thiểu não vô cùng:
- Em ơi! Giúp anh với! Anh không thể vay được ở đâu cả!
Giấu chồng, chị hỏi vay các bạn chợ mỗi người một ít. Vì chị chưa bao giờ vay mượn ai bao giờ và tính chị lại hay giúp người nên các bạn chợ vui vẻ cho chị vay không tính lãi. Gom được đủ tiền chị liền chuyển cho anh. Anh vui mừng hứa với chị sẽ bán rẫy rồi chuyển trả cho chị trong thời gian sớm nhất có thể.
Một tháng, hai tháng rồi một năm trôi qua vẫn không thấy anh có động thái gì là sẽ trả tiền cho chị. Món tiền chị vay các bạn chợ, chị chắt bóp trả dần cũng hết. Chị ốm nặng nằm viện, chị nhắn cho anh và dè dặt nhắc lại món nợ xưa. Anh tỉnh bơ trả lời:
- Anh chưa bán được rẫy. Họ trả rẻ quá! Em chờ hôm nào mẹ thằng bé chuyển trả anh tiền chăm nuôi nó thì anh trả em nhé!
Trời ơi! Khi anh vay thì hứa hẹn đủ điều! Khi người ta nhắc nợ thì anh viện lý do trời ơi, đất hỡi! Sao anh không tiết kiệm lương hàng tháng để trả cho chị? Chị nỡ lòng nào lấy tiền chăm nuôi con của anh? Ờ mà sao vợ chồng anh li dị và thằng bé lại ở với anh? Điều này chị không biết và cũng không muốn đi sâu tìm hiểu. Bây giờ chị ốm nặng không đi chợ được, chi phí điều trị cũng không hề ít, anh không trả nợ cho chị mà cũng không hề có một lời thăm hỏi. Chị buồn cho nhân tình, thế thái quá. Thời gian sau, chị gọi cho anh rất nhiều lần nhưng anh không hề nghe máy. Vào zalo, facebook của anh, thấy anh khoe ảnh ăn chơi, du lịch rất vui vẻ, không có biểu hiện gì là người thiếu tiền. Nực cười thay, anh đại diện cho nhóm thiện nguyện của bệnh viện phục vụ bữa ăn miễn phí cho người nghèo, anh hô hào các mạnh thường quân ủng hộ và cùng đoàn tới một số vùng khó khăn trong tỉnh tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Những lời nói của anh lúc đó sao mà ấm áp, ngọt ngào đi vào lòng người vậy, ai nghe thấy cũng rưng rưng nước mắt.
Chị cười nhẹ nhàng, không xóa số điện thoại của anh, không chặn anh trên mạng xã hội nhưng cho qua luôn món nợ cách đây hơn chục năm. Chị vẫn vậy, dù không khá giả nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Chị luôn tâm niệm: Khi mình cho tặng ai cái gì là lúc mình nhận được nụ cười của họ và niềm vui đến từ hai phía. Chị chỉ buồn là niềm tin của chị bị đánh cắp bởi chị nặng tình đồng hương. Còn anh, liệu có lúc nào anh nhớ tới món nợ ngày xưa không nhỉ?...
VietBF@sưu tập