Không tuyển được sinh viên, nhiều trường đại học tại Hàn Quốc, đặc biệt là các trường địa phương, lên kế hoạch sáp nhập để "sinh tồn".Theo Korea Times, nhiều trường đại học tại Hàn Quốc chọn sáp nhập và giới thiệu các chương trình dạy nghề để giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng tăng về tỷ lệ sinh thấp và số lượng sinh viên giảm - hai vấn đề đang gây áp lực tài chính cho các tổ chức giáo dục này.
Liên tiếp trường lên kế hoạch sáp nhập
Theo Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc, số lượng thí sinh nhập học đại học dự kiến sẽ giảm từ 440.000 vào năm 2023 xuống còn 260.000 vào năm 2040. Kể từ năm 2021, số lượng sinh viên nộp đơn vào đại học đã không đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Ngoài số lượng sinh viên giảm, các trường đại học bên ngoài thủ đô đang gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên khi không thể cạnh tranh với các trường tại Seoul. Để "sinh tồn", nhiều trường lựa chọn sáp nhập.
Mới đây, Đại học Quốc gia Mokpo và Đại học Quốc gia Sunchon, đều nằm ở tỉnh Jeolla Nam, đã gửi đơn xin sáp nhập đến Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Thông qua việc sáp nhập, các trường đặt mục tiêu thành lập một trường y và một bệnh viện trực thuộc - một tham vọng mà tỉnh Jeolla Nam theo đuổi từ lâu.
Trong khi đó, Đại học Quốc gia Kangwon và Đại học Quốc gia Gangneung-Wonju, nằm ở tỉnh Gangwon, cũng đang đàm phán để sáp nhập vào năm 2026. Đại học Quốc gia Chungbuk và Đại học Giao thông Quốc gia Hàn Quốc, nằm ở tỉnh Chungcheong Bắc, dự kiến sáp nhập vào tháng 3/2027.
Tại tỉnh Chungcheong Nam, Đại học Quốc gia Chungnam và Đại học Quốc gia Kongju đã ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng trước và đang đẩy nhanh các cuộc thảo luận về khả năng sáp nhập.
Nỗ lực sáp nhập và chuyên môn hóa các trường đại học đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là sau khi chính phủ đưa ra hỗ trợ tài chính cho một số trường đại học "glocal" được lựa chọn.
Thuật ngữ "glocal" là sự kết hợp của "global" và "local", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn bản sắc địa phương, đồng thời thích ứng với quá trình toàn cầu hóa.
Bắt đầu từ năm 2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã triển khai chính sách phân bổ 100 tỷ won trong 5 năm cho 30 trường đại học được lựa chọn bên ngoài Seoul, với mục tiêu củng cố cả trường học và cộng đồng xung quanh.
Các trường được chọn sẽ xác định các lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành, phù hợp với nhu cầu nhân lực và phát triển kinh tế của khu vực đó.
Thay đổi đe dọa sự đa dạng trong học thuật
Các chuyên gia thừa nhận rằng những thay đổi này là không thể tránh khỏi, nhưng mối lo ngại đang gia tăng, khi việc tái cấu trúc có thể làm suy yếu sự đa dạng và cạnh tranh trong giáo dục đại học.
Họ cảnh báo rằng các trường đại học đang dần trở thành trung tâm đào tạo nghề cho sinh viên và công cụ cho chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển khu vực, thay vì là trung tâm tri thức, nghiên cứu và phát triển trí tuệ.
Các chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về mục tiêu của chính phủ trong việc sử dụng các trường đại học đang gặp khó khăn này để thúc đẩy nền kinh tế khu vực thông qua việc sáp nhập và giới thiệu thêm các chương trình dạy nghề.
"Mô hình phát triển của Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp và kinh tế ở các khu vực đô thị, bao gồm Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggi. Trong bối cảnh này, việc kỳ vọng các trường đại học ở các vùng không phải đô thị sẽ giảm bớt sự tập trung này là không thực tế", GS Park Joo-ho, khoa Giáo dục, Đại học Hanyang, nhận định.
GS Park cũng thừa nhận hệ thống giáo dục đại học hiện tại của Hàn Quốc đang không phù hợp với thực tế dân số hiện nay.
"Hệ thống giáo dục đại học hiện tại được xây dựng từ những năm 1980, khi dân số Hàn Quốc đang tăng trưởng. Điều này có nghĩa là hệ thống này được thiết kế cho một thời kỳ dân số khác, với nhu cầu giáo dục lớn hơn", giáo sư nói.
Ông giải thích thêm rằng có quá nhiều trường đại học so với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Nhiều công việc không yêu cầu bằng cấp đại học, tuy nhiên vẫn thu hút được nhiều ứng viên tốt nghiệp đại học. Điều này cho thấy sự không phù hợp giữa trình độ học vấn của người lao động và yêu cầu thực tế của công việc.
Ông Song Ki-chang, Hiệu trưởng Đại học Sungsan Hyo, cũng thừa nhận rằng việc sáp nhập là một chiến lược sinh tồn cần thiết cho các trường đại học địa phương do nhu cầu tuyển sinh giảm.
Tuy nhiên, ông lo ngại sáp nhập có thể dẫn đến việc loại bỏ các ngành học bị coi là ít thu hút. Điều này có thể làm giảm sự đa dạng và tính liên tục trong giáo dục.
Ông cũng cảnh báo rằng việc quá tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn hóa có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu lĩnh vực đó suy yếu.
"Có xu hướng ngày càng coi các trường đại học chỉ đơn thuần là công cụ tìm kiếm việc làm. Sự hợp tác giữa các trường đại học với chính quyền địa phương và các ngành công nghiệp có thể cản trở sự phát triển lâu dài của quốc gia", Hiệu trưởng Song nói.
|