
Hôm nay là sinh nhật tuổi 27 của vợ, theo truyền thống gia đình, mỗi năm mình lại viết một bài về vợ. Chủ đề năm nay là những bài học mình đã học được trước và sau khi kết hôn. Bài này có thể hơi dài, nhưng nếu bạn đọc hết, mình tin rằng ít nhất bạn sẽ nhận ra một điều gì đó mới mẻ và đáng suy ngẫm.
Học về tình yêu – điều ít ai dạy ta một cách bài bản
Chúng ta dành rất nhiều thời gian để học những kiến thức về công việc, sức khỏe, dinh dưỡng, thể thao… nhưng lại ít khi được dạy về tình yêu và hôn nhân một cách bài bản. Những gì chúng ta biết thường đến từ kinh nghiệm cá nhân, từ bố mẹ, ông bà, từ những người bạn xung quanh. Nhưng mỗi mối quan hệ đều khác nhau, và không phải lời khuyên nào cũng áp dụng được cho tất cả mọi người.
Nhờ cơ duyên được tiếp cận với ngành tâm lý từ sớm, mình có cơ hội học được nhiều lý thuyết thú vị về tình yêu và hôn nhân, từ khoa học đến văn hóa truyền thống. Những điều dưới đây là những bài học đã giúp mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và mình muốn chia sẻ lại theo cách dễ hiểu, kèm những câu chuyện thực tế trong gia đình mình.
1. Mô hình tam giác tình yêu – Sternberg
Nhà tâm lý học Robert Sternberg cho rằng một tình yêu bền vững cần có ba yếu tố:
• Thân mật (Intimacy): Cảm giác gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu nhau.
• Đam mê (Passion): Cảm xúc mãnh liệt, sự hấp dẫn, sự cuồng nhiệt trong tình yêu.
• Cam kết (Commitment): Sự gắn bó lâu dài, cùng nhau vượt qua thử thách.
Một tình yêu bền vững cần có cả ba yếu tố này. Nếu chỉ có một hoặc hai yếu tố, mối quan hệ có thể mất cân bằng:
• Chỉ có thân mật → Tình bạn.
• Chỉ có đam mê → Mối quan hệ thoáng qua.
• Chỉ có cam kết → Tình yêu trống rỗng, chịu đựng vì nghĩa vụ.
Với vợ chồng mình, có những giai đoạn bận rộn vì công việc, con cái, yếu tố “Thân mật” và “Đam mê” có lúc suy giảm. Khi nhận ra điều đó, mình và vợ đã chủ động dành thời gian riêng cho nhau – gửi con cho bà ngoại một tối để đi hẹn hò, cùng xem một bộ phim yêu thích hay đơn giản là ngồi nói chuyện nghiêm túc về cuộc sống.
Tình yêu không phải thứ cứ có rồi là mãi mãi. Nó cần được nuôi dưỡng, điều chỉnh liên tục để không bị mất cân bằng.
2. Ngôn ngữ tình yêu – Gary Chapman
Có thể bạn đã từng nghe về “5 ngôn ngữ tình yêu” của Gary Chapman. Dù lý thuyết này bị nhiều nhà khoa học đánh giá là chưa đủ chứng cứ nghiên cứu, nhưng nó vẫn là một công cụ hữu ích để hiểu và thể hiện tình yêu theo cách phù hợp với người bạn đời.
1. Lời nói yêu thương: Nhiều phụ nữ yêu bằng tai, và vợ mình cũng không ngoại lệ. Mỗi ngày mình đều nói “Anh yêu em” hoặc thả một câu thính ngẫu nhiên, và thế là cô ấy cười tít mắt. Việc mình viết về vợ cũng là một cách thể hiện tình yêu bằng lời.
2. Hành động quan tâm: Từ những điều nhỏ nhặt như mở cửa xe, nấu bữa sáng, xoa bóp vai sau một ngày mệt mỏi, hay đeo mũ bảo hiểm cho nhau. Những hành động nhỏ này có giá trị hơn cả nghìn lời nói.
3. Quà tặng: Không cần phải là những món quà đắt tiền, đôi khi chỉ là một hộp bánh vợ thích hay một bó hoa bất ngờ cũng đủ làm cô ấy vui.
4. Thời gian chất lượng: Ở cạnh nhau nhưng không lướt điện thoại, mà thật sự trò chuyện, lắng nghe nhau. Đôi khi chỉ cần một buổi tối nhâm nhi trà, nói về tương lai cũng đủ để kết nối lại tình cảm.
5. Sự gần gũi cơ thể: Những cái ôm, nắm tay, vuốt tóc, hay đơn giản là ngồi cạnh nhau một cách ấm áp cũng giúp duy trì sự kết nối giữa hai người.
Mình thấy vợ mình có đủ cả 5 ngôn ngữ, nên cứ linh hoạt mà áp dụng!
3. Công thức hạnh phúc – Gottman
John Gottman là một nhà nghiên cứu hôn nhân nổi tiếng, người có thể dự đoán chính xác đến 90% khả năng một cặp đôi ly hôn chỉ sau vài phút quan sát họ tương tác. Dưới đây là hai điều quan trọng ông ấy đã chỉ ra:
Tỷ lệ 5:1 – Giữ cân bằng cảm xúc
Muốn một mối quan hệ hạnh phúc, cứ mỗi khoảnh khắc tiêu cực (cãi nhau, tranh luận), cần có ít nhất 5 khoảnh khắc tích cực (cười đùa, chia sẻ, hỗ trợ nhau).
Bạn có thể thử nghiệm bằng cách lấy một hũ thủy tinh, bỏ vào một viên kẹo trắng mỗi khi có khoảnh khắc hạnh phúc, và một viên kẹo đen mỗi khi có xung đột. Sau một thời gian, nếu thấy kẹo đen nhiều hơn kẹo trắng, thì cần điều chỉnh ngay.
Sửa chữa sau xung đột
Cãi nhau là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là cách hai người xử lý sau đó:
• Xin lỗi vì đã làm tổn thương đối phương, dù ai đúng ai sai.
• Nhận lỗi thay vì đổ lỗi.
• Nếu căng thẳng, tạm ngưng tranh luận và quay lại sau khi cả hai bình tĩnh.
4. Bốn kỵ sĩ báo hiệu rạn nứt hôn nhân
Gottman cũng đưa ra khái niệm “Bốn kỵ sĩ Khải Huyền” – bốn dấu hiệu nguy hiểm trong hôn nhân:
1. Chỉ trích: Thay vì “Anh quên không gọi em” (phê bình mang tính xây dựng), nhiều người lại nói “Anh lúc nào cũng vô tâm!” – điều này dễ gây tổn thương.
2. Khinh miệt: Khi bạn xem thường đối phương bằng lời nói hoặc hành động, như châm biếm, lườm nguýt, chế giễu. Đây là dấu hiệu tệ nhất vì nó làm mất đi sự tôn trọng trong mối quan hệ.
3. Biện hộ: Thay vì nhận trách nhiệm, bạn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. Điều này khiến đối phương cảm thấy không được lắng nghe.
4. Chiến tranh lạnh: Im lặng, phớt lờ đối phương thay vì cùng nhau giải quyết vấn đề.
Nếu thấy những dấu hiệu này trong hôn nhân, hãy tìm cách sửa chữa trước khi quá muộn.
5. Phật giáo – Có hiểu mới có thương
Phật giáo dạy rằng muốn yêu thương ai đó thật sự, ta phải hiểu họ. Nếu không hiểu, tình yêu dễ biến thành kiểm soát, trách móc.
• Chánh niệm trong hôn nhân giúp ta ý thức được cảm xúc của bản thân và đối phương, để không phản ứng một cách vô thức gây tổn thương.
• Lắng nghe và thấu hiểu là chìa khóa để giảm bớt xung đột và tăng sự kết nối.
Hôn nhân không phải là điểm đến, mà là một hành trình. Chỉ cần mỗi ngày, chúng ta đều sẵn sàng học hỏi, thay đổi và vun đắp, thì tình yêu sẽ luôn bền vững.
Chúc mừng sinh nhật em, vợ yêu!
VietBF@sưu tập