Nằm ngủ bị bóng đè là điều đôi khi vẫn xảy ra trong giấc ngủ của con người ở mọi độ tuổi khác nhau.Khiến cho tâm lý con người cảm thấy sợ hãi và người mệt mỏi mỗi khi bị bóng đè.Vậy sự thật đằng sau câu chuyện bị bóng đè là gì?
Nửa đêm, bạn mở trừng mắt tỉnh dậy nhưng không thể cử động được tay, chân. Thậm chí, bạn hiểu hết mọi diễn biến xung quanh nhưng không thể cất nên lời. Thậm chí, bạn còn thấy những hình ảnh đáng sợ kèm những lời nói vang vọng, thực thực hư hư. Tất cả những gì bạn có thể làm lúc đó là cố gắng giãy giụa, ú ớ kêu để mong thoát ra khỏi "lực vô hình" đang "giữ chặt" và bao vây lấy bạn.
Nhưng thanh âm từ cổ họng cũng bất lực, mọi nỗ lực đều rơi vào tuyệt vọng... Mọi chuyện xảy ra cứ như bạn bị giam hãm trong chính con người mình. Lúc này, nỗi sợ vô hình ngập tràn trong tâm trí. Nhưng rồi, bất chợt, bạn tỉnh dậy như vừa được trở về hiện thực. Bạn nhìn xung quanh bằng đôi mắt đầy sợ hãi, thở dốc và cố gắng trấn tĩnh để bật đèn, sợ phải nhắm mắt và lại gặp cơn ác mộng kinh hoàng vừa xảy ra.... Khoa học gọi hiện tượng mà có đến 40% nhân loại từng mắc ít nhất một lần trong đời này là BÓNG ĐÈ.
5 giải thích khoa học dưới đây sẽ giúp bạn làm sáng tỏ được về bóng đè:
Đầu tiên, bạn cần hiểu về chu kỳ giấc ngủ của con người. Có 2 chu kỳ xảy ra từ khi chúng ta nhắm mắt đến khi tỉnh, bao gồm: Chu kỳ NREM (Non Rapid Eye Movement - Không cử động mắt nhanh) và REM (Rapid Eye Movement – Cử động mắt nhanh). Trong đó, chu kỳ REM là chu kỳ giấc mơ xuất hiện. Và bóng đè xảy ra trong giai đoạn REM lúc bạn gần thức giấc.
1. Bóng đè (có tên khoa học là "bất động khi ngủ" - Sleep Paralysis) còn đáng sợ và phức tạp hơn ác mộng. Nếu như mơ ác mộng, bạn chỉ cảm thấy sợ hãi trong "thế giới mơ" rồi tỉnh dậy và thở phào nhẹ nhõm thì bóng đè khiến bạn thấy sợ trong chính hiện thực đang xảy ra. Bạn không thể nói hay cử động... mọi thứ như bị giam hãm, cho đến khi có tiếng động mạnh hoặc ai đó đánh thức bạn dậy.
2. Tư thế ngủ cũng quyết định tần suất bạn gặp bóng đè hay không. Nghiên cứu của trường Đại học Yuzuncu Yil (Thổ Nhỹ Kỳ) cho thấy, 40,9% người bị bóng đè nếu nằm nghiêng bên trái. Ngược lại, chỉ có 14,9% người bị bóng đè khi nằm nghiêng bên phải. Tất nhiên, số liệu này chỉ là tương đối, việc mặc đồ ngủ thoải mái với tinh thần sảng khoái và không uống rượu, bia trước khi đi ngủ cũng giúp bạn có giấc ngủ sâu.
3. Ba triệu chứng thường gặp khi bị bóng đè:
- Đầu tiên: Cảm nhận được sự hiện diện của những sự vật xung quanh. Thấy sợ hãi, gặp ảo giác về thị giác và thính giác.
- Thứ hai: Cảm thấy ngực bị đè nặng, khó thở.
- Thứ ba: Cảm giác trôi nổi, bồng bềnh, thân thể như nhẹ hơn.
4. Bóng đè có thể xảy đến với tất cả mọi người, nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi trưởng thành và những người có tiền sử bệnh thần kinh.
5. Bóng đè ít nguy hiểm đến tính mạng. Thật may mắn! Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mặc dù gây nên nỗi sợ hãi tức thời nhưng bóng đè không gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, với những người vừa ốm dậy, việc ngạt thở vì quá sợ hãi khi gặp bóng đè có khả năng gây nguy hiểm cho họ.
Vì vậy, thay vì sợ hãi và không dám ngủ, bạn hãy nằm ở tư thế thoải mái nhất, không gian thông thoáng, sạch sẽ, không quá nóng hoặc quá lạnh... Đặc biệt, bạn nên xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh (ngủ đúng giờ, đủ giấc, không uống rượu bia...). Trước khi đi ngủ, tránh để stress hoặc lo âu chi phối, không xem các bộ phim gây sợ hãi tột độ.