Vietbf.com - Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc thay thế chính quyền Bắc Kinh đã gửi đến Triều Tiên một thông điệp vì Trung Quốc đã cố hết sức rồi nên đành hy sinh đứa em cứng đầu của mình sau khi thỏa thuận Mỹ-Trung mới đạt được hồi giữa tuần vừa rồi. Nhưng Bình Nhưỡng sẽ còn hứng chịu lệnh cấm xuất khẩu một số khoáng vật như than, sắt, vàng, titane, đất hiếm cũng như bị cấm nhập khẩu các loại nhiên liệu cho máy bay hay tên lửa.
Obama xuất hiện bất ngờ ở cuộc gặp quan trọng của Vương Nghị
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận liên quan tới nghị quyết mở rộng trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 23/2 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ chính thức của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Vương cùng người đồng cấp John Kerry khẳng định trong cuộc họp báo chung rằng song phương đã đạt được "tiến triển quan trọng".
Theo ông Kerry, nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng bảo an LHQ nếu được thông qua sẽ "có mức độ cấm vận vượt xa các trừng phạt trong quá khứ".
Trước chuyến đi Mỹ của ông Vương, Bắc Kinh và Washington đã liên tiếp chỉ trích chính sách Triều Tiên của đối phương. Hai nước kỳ vọng nhận thức chung đạt được sẽ giúp đưa tới thỏa hiệp trong vấn đề hạt nhân bán đảo liên Triều.
Một số ý kiến phân tích cho rằng kết quả này là sự nhượng bộ của Trung Quốc trước Mỹ, nhưng cũng có quan điểm, như hãng Kyodo News, nói rằng phương án của Bắc Kinh "áp đảo Mỹ".
"Một bên là Kerry cặm cụi ghi chép, bên kia là Vương Nghị nói liên hồi," hãng tin Nhật Bản bình luận hài hước.
Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc cho rằng sự thay đổi đáng kể trong thái độ của Trung Quốc đến từ sự xuất hiện "ngoài ý muốn" của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice ngày 24/2.
Cuộc họp giữa ông Vương và bà Rice được đánh giá là rất quan trọng, mang tính quyết định hai nước đạt được thỏa thuận cuối cùng ở các nhận thức mà hai ông Kerry-Vương Nghị đã có trước đó.
Thông cáo của Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Obama tham dự hội nghị này là thông điệp cho thấy ông "hết sức chú trọng xây dựng quan hệ Mỹ-Trung bền vững, giàu tính xây dựng và hiệu quả cao".
"Tổng thống nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tổ chứ tại Washington từ 31/3-1/4. Ông bày tỏ kỳ vọng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự hội nghị," thông cáo viết.
Bà Susan Rice gặp ông Vương Nghị tại Bộ ngoại giao Trung Quốc tháng 9/2014. Ảnh: AFP
"Triều Tiên bị trừng phạt là xứng đáng"
Trong bài xã luận đăng tải sáng 26/2, tờ Hoàn Cầu khẳng định, việc Bình Nhưỡng bất chấp tất cả để tiến hành thử nghiệm hạt nhân đã khiến họ hứng chịu "cái giá phải trả mới".
"Chúng tôi tin rằng lần (cấm vận) này sẽ khiến Triều Tiên đau đớn hơn tất cả những lần khác trong quá khứ.
Ở địa vị cơ quan truyền thông Trung Quốc, chúng tôi nhận định Triều Tiên phải chịu cơ chế cấm vận như thế là xứng đáng.
Bình Nhưỡng không thể oán trách 'Trung Quốc đứng về phía Mỹ', mà điều họ cần làm là tự xem lại chính mình," Hoàn Cầu viết.
Hoàn Cầu chỉ trích, Bình Nhưỡng đã phạm "sai lầm nghiêm trọng" trong vấn đề hạt nhân và làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia Trung Quốc, buộc Bắc Kinh vừa phải gìn giữ quan hệ hữu nghị song phương, vừa phải phản ứng quyết liệt theo kiểu "ăn miếng trả miếng".
Tuy nhiên, tờ này cảnh báo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không nên kỳ vọng Trung Quốc sẽ ngoan ngoãn vâng lời, bởi" trong các vấn đề quan trọng, Trung Quốc không quá đặt nặng việc Mỹ có thoải mái hay không".
Thời báo Hoàn Cầu viết: "Dư luận Trung Quốc ủng hộ chính phủ có hành động thực tế nhằm phản đối việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân.
Chúng tôi hiểu rằng, quan hệ Trung-Triều khó tránh sứt mẻ do mâu thuẫn lập trường, nhưng Trung Quốc muốn nhìn thấy tình hữu nghị song phương được gìn giữ.
Chúng tôi tin rằng nguyện vọng của người dân sẽ được thể hiện trong chính sách quốc gia của Trung Quốc."
Trong cuộc khảo sát được Hoàn Cầu tiến hành từ sáng nay, 26/2, với câu hỏi "bạn có ủng hộ gia tăng cấm vận Triều Tiên", hơn 85% độc giả tham gia bình chọn (khoảng hơn 4.200 người) đã lựa chọn "ủng hộ". |
Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào?
Qua chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị, những chỉ trích của Washington đối với Bắc Kinh về việc cấm vận Triều Tiên đã giảm đáng kể, tạo cơ sở để Trung Quốc làm hòa dịu quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản, cuối cùng là xét đến phản ứng của Triều Tiên.
Theo Hoàn Cầu, thái độ của Bình Nhưỡng bao gồm hai phương diện. Thứ nhất là phản ứng đối với bản thân nghị quyết trừng phạt của HĐBALHQ; thứ hai là quan điểm của nước này về thái độ ủng hộ cấm vận và các hành động tiếp theo của Trung Quốc.
Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng "hiểu cho thái độ 'thỏa hiệp' của Trung Quốc khi đứng giữa Triều Tiên và Mỹ-Nhật-Hàn" và cho rằng nước này "nên thức tỉnh".
"Việc Triều Tiên có thể nhìn nhận tích cực vai trò của Trung Quốc hay không, sẽ là bài kiểm tra đối với mức độ nhạy cảm chính trị và khả năng đánh giá của họ.
Bình Nhưỡng sở hữu hạt nhân đã là một bài toán khó đối với Trung Quốc. Nếu họ kỳ vọng quan hệ Trung-Triều lấy việc tôn trọng Triều Tiên sở hữu hạt nhân làm trung tâm, thì sự hy vọng này rõ ràng hoàn toàn không được xây dựng trên cơ sở thực tế," Hoàn Cầu bình luận.
Tờ này cho rằng, mục tiêu của Mỹ-Nhật-Hàn là làm sụp đổ nền kinh tế, thậm chí là cả chính phủ Triều Tiên, trong khi Trung Quốc phản đối cách làm này.
Vì vậy, "xã hội Trung Quốc hy vọng Bình Nhưỡng hiểu rõ vấn đề bản chất này và biết quý trọng những nỗ lực của Bắc Kinh để phản đối mở rộng trừng phạt".
Trung Quốc cảnh cáo, sự cô lập của quốc tế đối với Triều Tiên sẽ trở thành xu thế không thể tránh khỏi nếu nước này kiên quyết giữ lập trường không từ bỏ hạt nhân và "không gian để Triều Tiên kích động mâu thuẫn Mỹ-Trung" cũng thu hẹp lại.