Tập Cận Bình quả là một "quái vật" trong các nguyên thủ quốc gia. Trong bất cứ một chiến trường hay một lĩnh vực nào, ông Tập cũng đều tỏ ra là một tay thâm hiểm. Với chiến trường Syria và công cuộc tiêu diệt IS, trước khi chính thức "nhúng tay" Trung Quốc đang có cuộc thử nghiệm chiến lược cẩn thận với... Afghanistan.
Bước sang tháng 2/2016, các hoạt động xoay quanh cuộc hòa đàm Syria chính thức cất bước. Đặc sứ của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria đã tổ chức cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ với đại diện Ủy ban đàm phán cấp cao của phe đối lập Syria hôm 1/2.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) cùng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai tham dự lễ ký kết các văn kiện hợp tác tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 28/10/2014. Ảnh: Reuters
Vòng thảo luận này mới chỉ thông qua hình thức "đàm phán gián tiếp", nhưng giai đoạn đầu tiên của hòa đàm dự kiến kéo dài 2 đến 3 tuần, toàn bộ kế hoạch hòa đàm có thể diễn ra trong nửa năm.
Với việc các cường quốc, gồm Mỹ và Nga, đạt bước tiến lớn trong vấn đề Syria khi thống nhất thỏa thuận chấm dứt thù địch bằng hành động cụ thể đầu tiên là lệnh ngừng bắn 1 tuần ở quốc gia này, các bên đang có cơ hội tốt để góp phần giải quyết vấn đề này.
Trong đó, trang Đa Chiều (Mỹ) đánh giá, Trung Quốc nhiều khả năng trở thành một trong những bên tham gia "bất ngờ", thậm chí là "nhân tố then chốt" tại quốc gia Trung Đông trên.
Sự hiện diện của Bắc Kinh vào tình hình Trung Đông được đề cập nhiều kể từ vụ công dân Trung Quốc Fan Jinghui bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria hành quyết tháng 11/2015.
Bộ ngoại giao Trung Quốc năm 2015 từng nhấn mạnh nước này "là người hòa giải thực sự giữa Israel và Palestine", qua đó phần nào thể hiện ý định của Bắc Kinh với Trung Đông.
Đầu năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong năm, để tới thăm 3 cường quốc Trung Đông là Saudi Araiba, Ai Cập và Iran.
Động thái này được nhận định là bước ngoặt "cốt lõi" trong ngoại giao của Bắc Kinh năm 2016, tạo cơ sở cho Trung Quốc xây dựng và khuếch trương ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, Trung Á.
Giải pháp chính trị kiểu Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, Trung Đông và Trung Á là những khu vực mà nước này bắt buộc phải "đả thông" nếu muốn hiện thực hóa chiến lược "một vành đai, một con đường" của ông Tập. Chính Bắc Kinh cũng cảm thấy sự cấp bách của tình hình hiện tại.
Sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Iran, những chuyến tàu hỏa từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc thông qua 5 nước Trung Á tới Iran đã khởi hành, mở đường cho Bắc Kinh tiến vào thế giới Arab.
Khác với Iran, thế giới Arab tồn tại hàng loạt vấn đề nhức nhối như chia rẽ sắc tộc, mâu thuẫn giai cấp, đối đầu giữa các hệ thống... vốn xuất hiện sau nhiều cuộc xung đột trong thế kỷ 20.
Đa Chiều chỉ ra, cốt lõi của vấn đề khu vực nằm ở cuộc khủng hoảng Syria và căng thẳng nhiều năm giữa Israel-Palestine.
Vấn đề giữa Israel và Palestine đang được Bắc Kinh lên tiếng nhận định là trọng tâm lâu dài của tình hình Trung Đông và nếu được giải quyết thì có thể tạo điều kiện ổn định tình hình thế giới Arab, còn vấn đề Syria là then chốt của giai đoạn hiện tại.
Xuất phát từ đánh giá này, Trung Quốc thường xuyên cho thấy thái độ sẵn sàng tham gia giải quyết vấn đề Trung Đông, nhưng họ thiếu phương pháp và lộ trình thực hiện điều đó.
Mặc dù vụ Fan Jinghui được giới quan sát cho là "thời cơ chín muồi" để Bắc Kinh chính thức can thiệp vào tình hình Trung Đông qua vấn đề Syria, nhưng sự đối đầu của Nga-Mỹ tại khu vực này tạo thành rào cản với Trung Quốc.
Cách tiếp cận của Trung Quốc là tham gia tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở khu vực như một hình thức "quốc tế hóa" khủng hoảng Syria.
Trên thực tế, cách làm này có thể coi là động thái đáng kể của Trung Quốc, bởi nó trái ngược với những tuyên bố thường thấy của họ như "giải quyết bằng chính trị", "không can thiệp vào nội bộ (Syria)"...
Hồi đầu năm, Khaled Khoja, Chủ tịch Liên minh Quốc gia vì Lực lượng Đối lập Syria có trụ sở tại Istanbul đã có chuyến thăm Trung Quốc ngày 5/1.
Các nhà phân tích sau đó chỉ ra, Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm cơ hội làm sâu sắc thêm quan hệ với các thế lực bên trong cuộc nội chiến Syria nhằm "giành phần" trong việc giải quyết xung đột.
Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh "tương lai Syria cần phải do người dân Syria tự chủ quyết định", "mọi hành động của Trung Quốc đều nhằm thúc đẩy vấn đề Syria nhanh chóng đi vào quỹ đạo đối thoại và giải quyết chính trị".
Tuy nhiên, Đa Chiều cho hay, trong khi các thế lực lớn như Mỹ, Nga đều có lợi ích tại Syria và Trung Đông, tuyên bố kiểu "loại trừ các thế lực bên ngoài" của Trung Quốc chỉ giống như một cách hô khẩu hiệu.
Cuộc đối thoại với đại diện đối lập Syria và Trung Quốc tổ chức cũng khiến phương Tây tin rằng Bắc Kinh có ý định "độc chiếm thị trường" sau khi "đuổi" Nga, Mỹ.
Nhiều nhà quan sát Âu Mỹ tin rằng, những tuyên bố hòa bình của Trung Quốc hiện nay sớm muộn cũng diễn biến thành sự "can thiệp" vào Syria theo kiểu phương Tây.
Trung Quốc vẫn nghiêng về giải pháp "không chọn bên, không tham chiến", nhưng Đa Chiều cho biết, rất ít người chú ý rằng, những cấp dưới của ông Tập đã bắt đầu một cuộc thực nghiệm ở Afghanistan, nhằm quyết định cách thức tiếp cận Trung Đông của Bắc Kinh trong tương lai.
Bắc Kinh với khẩu hiệu hòa đàm "không có người ngoài" ở Afghanistan
Afghanistan không phải là vấn đề xa lạ với giới học giả Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington từng tạo ra không ít khó khăn tại đây cho Liên Xô trong quá khứ, khi quan hệ Mỹ-Trung ở "thời kỳ trăng mật".
Tuy nhiên, so với sự can thiệp trực tiếp của Mỹ-Xô, nhiều nhân vật đối lập nhau bởi đứng về phe Washington hay Moscow lại trở thành "bạn và đối tác" của... Trung Quốc, quốc gia luôn "đứng bên lề một cách hữu nghị".
Trong chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc hồi tháng 1 của Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani, trọng điểm thảo luận của song phương chính là giới hạn lại cuộc hòa đàm Afghanistan, vốn đã được "quốc tế hóa", về phạm vi nội bộ quốc gia này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ tiến trình hòa giải "do người Afghanistan chủ đạo".
Thông tin do Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố cho thấy, các quan chức nước này đã thúc giục chính quyền Kabul khởi động lại cuộc đàm phán với Taliban.
Đa Chiều bình luận, Afghanistan, quốc gia từng có tình trạng bị Nga, Mỹ can thiệp giống như Syria hiện tại, đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bắc Kinh.
Sự tham dự tích cực của Trung Quốc vào tiến trình hòa bình đang bế tắc của Afghanistan cũng là một cuộc thí nghiệm, cung cấp "tài liệu tham khảo" để nước này can thiệp sâu hơn vào khu vực phức tạp hơn là Syria và Trung Đông trong tương lai.
Cùng với thái độ và hành động linh hoạt hơn của Trung Quốc ở Afghanistan, một khả năng "chưa từng có" đã dần hiện hữu, đó là Trung Quốc đẩy mạnh xâm nhập thị trường dầu mỏ ở Trung Đông và có thể thay thế Mỹ trở thành sức mạnh bên ngoài có tầm ảnh hưởng nhất tại khu vực nhiều biến động này.
Nhưng trước đó, Trung Quốc cần phải thành công với "thực nghiệm" giải pháp chính trị tại Afghanistan của mình và hoàn thiện bộ phương thức sẽ áp dụng cho Syria.
Therealtz © VietBF