Căn bệnh béo phì giờ đây người Việt cũng hay mắc phải. Nếu không giảm cân thì cũng phải cố gắng tập thể dục thường xuyên. Cùng vietbf.com khám phá thêm.
Béo phì không liên quan đến gen, không liên quan đến ăn nhiều mà béo phì có thể do lười vận động, bỏ qua bữa ăn sáng, ít ngủ. Béo phì có thể gây ra các biến chứng khác nhau, đặc biệt là các bệnh chuyển hóa, nội tiết.
Hình ảnh bị gout của một bệnh nhân béo phì.
Béo vì lười vận động
Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, ông từng gặp rất nhiều trẻ nhỏ, người lớn bị béo phì do lười vận động, thói quen ăn uống không khoa học.
Trường hợp của em Nguyễn Văn Th trú tại Cầu Giấy, Hà Nội 13 tuổi là điển hình của lười vận động khi em nặng tới... 107kg.
Bố mẹ Th bận việc nên không để ý đến sinh hoạt của con cái, thậm chí cháu thường xuyên cày game, ăn khuya với những đồ ăn nhanh, thức uống có gas bố mẹ cháu cũng không biết. Chỉ đến khi thấy con quá béo, hay mệt mỏi cha mẹ mới đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ Bình thử đường máu thấy tăng cao, chớm của tiểu đường tuyp 2 nên cháu Th phải theo dõi cân nặng và tiến hành vận động giảm cân.
Th cho biết đi học về là cháu ăn no rồi vào phòng cày game. Có hôm mải chơi đến 1, 2 giờ đêm mới đi ngủ. Phòng riêng, bố mẹ bận kinh doanh nên chẳng ai để ý đến cháu. Cháu rất ngại đi tập thể dục vì không có ai đi cùng.
Trường hợp của Phạm Văn Đông trú tại Hoàng Mai, Hà Nội 30 tuổi nhưng nặng trên 100 kg. Khi đến khám, Đông cho rằng mình chỉ đi kiểm tra mỡ máu chứ không hề nghĩ gì đến tiểu đường. Bác sĩ xét nghiệm đường huyết cao trên 10 mmol/l nên yêu cầu Đông nhập viện kiểm soát đường huyết.
Đông cho biết gia đình cậu có gen béo phì nên cậu coi chuyện mình béo là đương nhiên. Cậu rất ngại đi tập thể dục vì công việc bận. Ngày nào về đến nhà cũng 9 – 10 giờ đêm, vệ sinh cá nhân, bế con chút xíu là Đông đi ngủ. Vợ của Đông còn cho biết cậu rất thích đồ uống đóng chai và ăn cháo lòng.
Cửa ngõ của bệnh tật
Thạc sĩ Phạm Huy Cường – Nguyên bác sĩ tại bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết béo phì ngày nay được coi là một bệnh lý đang có xu hướng tăng nhanh. Béo phì cũng là "cánh cửa" dẫn đến rất nhiều bệnh tật và đe dọa cuộc sống khỏe mạnh của bạn.
Hầu hết, những bệnh nhân đến khám ThS Cường đều cho biết, họ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi, nằm, dù ở nhà hay tại nơi làm việc. Hoạt động giải trí mà họ lựa chọn cũng là ngồi như xem phim, xem truyền hình, cày game. Với một lối sống ít vận động, không tập thể dục hoặc hoạt động tay chân... tăng cân là chuyện tất yếu.
Thạc sĩ Cường chỉ ra, bệnh béo phì là "cánh cửa" dẫn đến rất nhiều bệnh tật và đe dọa cuộc sống khỏe mạnh. Bệnh béo phì là khi tình trạng chất béo lưu trữ trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Ở người đàn ông, lượng chất béo vượt quá 25% so với tổng lượng mỡ trong cơ thể thì bị coi là bị bệnh béo phì. Ở phụ nữ, tỉ lệ này là 30%.
Các bệnh liên quan nội tiết chuyển hóa ở người béo phì đầu tiên phải đề cập đến bệnh tiểu đường tuyp 2. Béo phì khiến hormone insulin do tuyến tụy tiết ra hoạt động không hiệu quả, không thể giúp tế bào của cơ thể hấp thu đường. Lúc này, tuyến tụy sẽ cố gắng sản sinh nhiều insulin hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, thì việc sản sinh insulin của tuyến tụy sẽ giảm đi và khi đó bệnh nhân dễ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2. Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như huyết áp cao, đau tim, đột quỵ não, mù lòa, suy thận và hại thần kinh...
Thứ nữa là bệnh gout. Người bị bệnh béo phì có khả năng phát triển bệnh gout cao gấp 4 lần so với những người có trọng lượng cơ thể bình thường. Khi bị bệnh béo phì, nồng độ axit uric trong máu tăng dẫn đến các khớp bị đau, viêm, đỏ... mức độ bệnh gout càng nặng hơn. Khi giảm cân, nồng độ axit uric trong máu có thể giảm, đồng thời giảm ảnh hưởng đến bệnh gout.
Ph. Thúy