Con chủ bài có công lực mạnh nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh là số tiền 30 tỷ Bảng Anh (46,4 tỷ USD) mà Trung Quốc sẽ đầu tư vào một số ngành kinh tế của Anh như năng lượng, hàng không, buôn bán lẻ, dịch vụ tài chính... trong đó có cả dự án Trung Quốc giúp Anh xây dựng thêm một vài nhà máy điện hạt nhân. Sau ba năm trắc trở, cặp quan hệ song phương này đã nhanh chóng được bình thường hoá và thúc đẩy mạnh mẽ. Thủ tướng Anh David Cameron đã dùng ngôn từ “thời kỳ vàng” để miêu tả giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước này được mở ra bằng chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình. Ba năm trước đây, ông Cameron đã tiếp Dalai Lama bất chấp mọi sự phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc bực bội phản ứng lại bằng cách để cho quan hệ song phương trì trệ và băng giá. Không thể không có chuyện ông Cameron đã chấp nhận trả giá về chính trị để đổi lấy sự bình thường hoá nhanh chóng và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Trung Quốc.
Tiền vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc làm bền chặt mối quan hệ giữa hai nước này. Ông Cameron cần đầu tư của nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và cần Trung Quốc làm đối tác và thị trường vì có thể sử dụng Trung Quốc làm đối trọng với EU hoặc thậm chí thay thế EU trên cương vị đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong trường hợp cử tri Anh khi tới đây tham gia cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu tán đồng việc đưa nước Anh ra khỏi EU.
Với chuyến thăm Anh của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã coi Anh là đối tác quan trọng nhất ở châu Âu và chủ ý thể hiện sự khác biệt rõ nét giữa quan hệ với Anh và quan hệ với EU nói chung, với nhiều thành viên EU khác nói riêng.
Dùng tiền để khai thông và làm bền chặt quan hệ là một trong những định hướng chiến lược của Trung Quốc để tranh thủ diện đối tác này và phân hoá nội bộ diện đối tác khác. Nước Anh với ông Cameron chỉ là ví dụ mới đây nhất.
VietBF© Sưu tập