Cuộc diễu binh của Triều Tiên đã diễn ra khá tốt đẹp thế nhưng kết thúc lại nhận được khá nhiều lời chỉ trích từ nhiều phía. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối lại những lời chỉ trích đó và tỏ ra thông cảm với Bình Nhưỡng, có thể Trung Quốc đang muốn gia tăng tình hữu nghị giữa 2 nước trở nên gắn kết hơn. Hãy cùng vietbf khám phá nhé!
Hàng ngàn binh sĩ và các phương tiện quân sự của Triều Tiên đã tham gia vào lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 10/10.
Trung Quốc đã thể hiện tình đoàn kết với láng giềng bằng cách cử ông Liu Yunshan, quan chức giữ vị trí cấp cao thứ 5 trong đảng Cộng sản Trung Quốc, tới tham dự sự kiện ở Bình Nhưỡng. Đây là quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh tới thăm Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền vào cuối năm 2011.
Tuy nhiên, khi bình luận về sự kiện ở Bình Nhưỡng, một số cư dân mạng Trung Quốc đã chế giễu hoạt động trên và cho rằng nó giống như một “màn xiếc”. Số khác lên tiếng chỉ trích quân đội Triều Tiên liên quan tới cái chết của một công dân nước này ở khu vực biên giới. Thậm chí, một số còn liệt kê một loạt vụ cướp của và giết người có liên quan tới các công dân Triều Tiên đào tẩu ở khu vực biên giới Trung Quốc.
Trong một bài bình luận đăng tải ngày 12/10, tờ Thời báo Hoàn cầu - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng những ý kiến trên không “đại diện cho thái độ chung của người Trung Quốc đối với Triều Tiên”.
Tờ báo kêu gọi người dân Trung Quốc nên hiểu biết hơn về tình hình an ninh ở Triều Tiên và cho biết an ninh của quốc gia láng giềng đang bị đe dọa bởi các cuộc tập trận thường niên của Mỹ và Hàn Quốc.
“Mặc dù Triều Tiên không nên giải quyết các vấn đề an ninh bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng người dân Trung Quốc cần phải hiểu những mối quan ngại về an ninh của Triều Tiên” trước khi chỉ trích, tờ báo cho biết.
Theo Yonhap, dư luận Trung Quốc đã có cái nhìn không thiện cảm dành cho Triều Tiên sau khi nước này tiến hành một loạt các vụ thử nghiệm hạt nhân mà Seoul và Washington xem là các hành động khiêu khích nghiêm trọng. Khi Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2/2013, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối khá mạnh mẽ. Thậm chí, chính phủ Bắc Kinh cũng đã thẳng thắn lên án hành động này.
Một số nhà phân tích cho rằng những ý kiến của cư dân mạng nước này sẽ gây ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ đối với Triều Tiên và thúc đẩy Bắc Kinh kiểm soát internet chặt chẽ hơn.
Bài xã luận trên của Thời báo Hoàn cầu là một dấu hiệu mới củng cố các suy đoán cho rằngTrung Quốc đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với láng giềng gần gũi Bình Nhưỡng sau một thời gian lạnh nhạt.
Trong chuyến công du Bình Nhưỡng hồi cuối tuần vừa qua, ông Liu Yunshan đã trình lên nhà lãnh đạo Triều Tiên một bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó kêu gọi hai quốc gia thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn.
Bình luận về động thái này của nhà lãnh đạo Trung Quốc, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết: "Trung Quốc dường như đã sẵn sàng xem xét ý tưởng một Triều Tiên thống nhất thay vì duy trì Bình Nhưỡng như một quốc gia vùng đệm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực"
Theo Tân Hoa Xã cho biết, chuyến thăm của ông Liu đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quan hệ song phương.
Ông John Delury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul, cũng cho rằng thông điệp của ông Tập Cận Bình đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến thuật của Bắc Kinh đối với Triều Tiên.
Sự thay đổi thái độ tích cực từ Bắc Kinh dường như đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía Bình Nhưỡng. Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa trong các lễ kỷ niệm lớn, nhưng trong ngày kỷ niệm 10/10, Bình Nhưỡng dường như đã nhượng bộ trước Bắc Kinh không phóng tên lửa như định trước.
Ông Kim Jong-un cũng không đề cập tới các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong bài phát biểu của mình, một vấn đề Bắc Kinh đặc biệt quan tâm và không ủng hộ sự tồn tại của vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
vietbf @ sưu tầm