Bình đẳng là điều mà nhiều người ở trên thế giới đang hướng về dù ở trong lĩnh vực nào đi nữa. Doanh nghiệp Việt có quyền mơ về một sân chơi FAIR-PLAY? Hãy cùng vietbf khám phá nhé!
Ông Alex Feldman, chủ tịch điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết cuộc tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngay cuối tuần này, các bên tham gia đàm phán TPP sẽ có một cuộc gặp để chuẩn bị cho vòng đàm phán chính thức tiếp theo diễn ra tại Atlanta, bang Georgia (Mỹ) vào cuối tháng này.
Theo ông Alex Feldman, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức khi đàm phán TPP có thể sẽ được hoàn tất trong năm nay và vòng đàm phán ở Atlanta hi vọng sẽ mở ra chương mới. Tiếp lời ông Alex Feldman, ông Phạm Quang Vinh - đại sứ Việt Nam tại Mỹ - khẳng định tất cả doanh nghiệp của Mỹ mà ông tiếp xúc trước khi bước vào cuộc tọa đàm đều rất trông đợi vào sự đổi mới của Việt Nam và cơ hội do TPP mang lại.
Trước đại diện lãnh đạo của hàng chục công ty, tập đoàn lớn của Mỹ như General Electric, Wal-Mart, Pfizer, Cargill...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng các thành viên khác hoàn thành đàm phán theo lộ trình dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên, có tính đến sự đa dạng phát triển của các nước. “Chuẩn bị tốt đã là một nửa của thành công” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói và khẳng định cuộc tọa đàm chính là một trong chuỗi công việc để chuẩn bị cho TPP.
Trả lời mối quan tâm chung của đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp Mỹ về việc Việt Nam giữ ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Vấn đề này tôi nghe nhiều lắm, kể cả doanh nghiệp trong nước cũng nêu. Quá trình đổi mới kinh tế và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã và đang giải quyết để thật sự các doanh nghiệp đều trên một sân chơi bình đẳng. Cũng như trong bóng đá, không thể có bênh vực bên nào để làm cho trận đấu méo mó”.
Theo Chủ tịch nước, Nhà nước Việt Nam chỉ giữ cổ phần lớn ở những doanh nghiệp thật sự cần thiết, còn lại chủ trương không nắm cổ phần hoặc nắm tỉ lệ nhỏ. Đây là quá trình mà các nhà đầu tư Mỹ có thể tham gia, vì khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Việt Nam muốn tìm các nhà đầu tư có trình độ quản trị tốt, có công nghệ cao...
Tại cuộc tọa đàm, đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước cũng nêu lên nhiều câu hỏi về TPP, trong đó ông Trần Khắc Tâm - đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - bày tỏ quan ngại về những rào cản thương mại mà Mỹ thường áp dụng với một số mặt hàng nông sản Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam đã và đang đề nghị Chính phủ Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam, cũng như không áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý mặc dù TPP có thể mang lại việc giảm thuế, mở rộng thị trường, nhưng tính chất cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn trước. Do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của mình. Chính phủ của bất cứ thành viên nào trong TPP không có quyền chi ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Vào cuối cuộc tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) nêu vấn đề hiện nay Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số 12 nước tham gia đàm phán TPP, Hoa Kỳ lại là nước dẫn đầu trong 12 nước, như vậy đây là chuỗi giá trị mà Hoa Kỳ đóng vai trò trung tâm.
Nhìn từ góc độ này, nếu các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam không trưởng thành lên, Hoa Kỳ sẽ thất bại trong việc xây dựng một cộng đồng kinh tế TPP vững mạnh.
vietbf @ sưu tầm