Trùng với sự kiện Tập Cận Bình thăm Mỹ có 2 sự kiện quan trọng khác là Giáo hoàng Francis tới Mỹ và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner xin từ chức khiến giới truyền thông không quan tâm nhiều đến Tập Cận Bình. Mặt khác mọi người cũng không hy vọng Mỹ - Trung có tiếng nói chung trong mấy vấn đề hai nước đặt ra.
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân tới dự quốc yến ở Nhà Trắng tối 25/6. Ảnh: AFP
Ngày 25/9, trong khi Tổng thống Brack Obama đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình theo nghi thức trọng thể tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng cùng 21 phát đại bác, ông Boehner tuyên bố từ chức.
Sau đó, thay vì truyền hình trực tiếp cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, các phương tiện truyền thông phát sóng bài phát biểu từ chức của chủ tịch Hạ viện Mỹ, theo South China Morning Post.
Tại cuộc họp báo, các phóng viên có quyền đặt câu hỏi trực tiếp. Hai trong 3 câu hỏi dành cho Obama có liên quan tới Boehner, tiếp sau mới là vấn đề an ninh mạng và suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
"Xin ông cho biết suy nghĩ khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner từ chức", một phóng viên hỏi Obama.
Trong khi ông chủ Nhà Trắng trả lời những câu hỏi về Boehner, ông Tập ngồi yên lắng nghe. Cuối buổi họp báo, vị tổng thống da màu còn đề cập tới những thông điệp của Giáo hoàng.
Trước đó, báo chí đưa tin dày đặc về chuyến thăm Mỹ của Đức Thánh cha Francis. Một số quan sát viên và thành viên thuộc phái đoàn Trung Quốc nhận định, giới truyền thông sẽ chuyển trọng tâm sang mối quan hệ Trung - Mỹ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt chân đến Washington.
Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng, chuyến thăm của ông Tập bị lu mờ bởi Đức giáo hoàng và vụ việc của Boehner.
"Tôi nghĩ rằng điều duy nhất khiến Trung Quốc thất vọng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo nước họ tới Mỹ bị mờ nhạt khi so sánh với chuyến công du của Giáo hoàng. Điều này vượt ra ngoài dự tính bởi hai đợt viếng thăm diễn ra liên tiếp nhau", Glaser nói.
therealrtz © VietBF