Kinh tế VN đang chiều đi xuống nên hiện tại đang phải mời kiều bào về nước đóng góp và kêu gọi cả những người chưa có giấy tờ, cũng như các thành phần về. Trong diễn đàn lần này chỉ đề cập đến một số trí thức, nhưng trên thực tế thì là kiều bào có tiền. Cùng vietbf.com khám phá thêm.
Ngày 7-6, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (VNƠNN) – Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Nhóm Sáng kiến Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”.
Trí thức kiều bào đóng góp ý kiến phát triển kinh tế Việt Nam
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VNƠNN Vũ Hồng Nam dự và phát biểu tại Diễn đàn, cùng với sự tham gia của hơn 100 đại biểu trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao ý tưởng tổ chức Diễn đàn lần này, đúng vào dịp chúng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Khẳng định sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thừa nhận vẫn còn những tồn tại về mặt chính sách cần khắc phục.
Vì thế Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng. Những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi, thảo luận trong Diễn đàn là những căn cứ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết, theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014, đối với các trụ cột về sử dụng hiệu quả nguồn lực, thứ hạng của Việt Nam còn khá thấp: Giáo dục cao đẳng (thứ 96/144); hiệu quả thị trường hàng hóa (thứ 78); hiệu quả thị trường lao động (thứ 49) do dân số trẻ và ham hiểu biết; phát triển thị trường tài chính (thứ 90) còn nhiều yếu kém trong tái cơ cấu; trình độ công nghệ (thứ 99) còn thấp, chỉ số sự tinh xảo của kinh doanh và đổi mới công nghệ sáng tạo của Việt Nam còn ở thứ hạng khiêm tốn (tương ứng 106 và 87/144).
Vì thế, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương lớn để giải quyết như ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm bảo đảm phát huy tốt nhất tiềm năng và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện KTTT định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
“Tại Diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về vấn đề vai trò đổi mới khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo.v.v… đặt ra như thế nào trong đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia? Tính khả thi, lộ trình để thực hiện và kinh nghiệm quốc tế” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Diễn đàn là hoạt động theo Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19-5-2015 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới nhằm đẩy mạnh công tác vận động trí thức kiều bào tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, Diễn đàn tập trung trao đổi một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam, so sánh mô hình tăng trưởng ở Việt Nam với các nước Đông Á khác; vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng đặt trong mối quan hệ với quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Hai là, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Ba là, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam; kinh nghiệm cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ ở các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; vấn đề hỗ trợ quốc tế với hệ thống y tế.v.v…
Theo Đình Hiệp
Hà Nội Mới