Trong khi Mỹ liên tục cảnh báo Trung Quốc, tranh cãi rồi đưa hải quân tới Biển Đông, Nhật Bản lại rất im lặng và chờ thời cơ nhất định để ra đòn.
Việc thành lập một hệ thống các quốc gia trong khu vực tạo thành một vành đai vây quanh Trung Quốc chỉ có giá trị về mặt chiến lược và danh nghĩa, cần thiết cho những cuộc hội nghị hay đàm phán quốc tế để có thể gây sức ép với Trung Quốc. Còn để nó thực sự hoạt động hiệu quả, thì Mỹ cần một số ít những đồng minh có thể phản ứng nhanh với bất cứ động thái bất ngờ nào của Trung Quốc trong khu vực. Ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí đó phải là Nhật Bản. Và để làm được điều này, người Nhật cần tái hiện lại chiến lược Đại Đông Á hơn bao giờ hết.
Thế chiến hai kết thúc với thất bại của Nhật Bản đã chính thức chôn vùi chiến lược Đại Đông Á này. Trong quá trình xây dựng lại đất nước và nền kinh tế sau cuộc chiến, Nhật Bản dường như đã quên chiến lược đầy tham vọng này. Trong hơn nửa thế kỷ sau khi thế chiến hai kết thúc, người Nhật hướng về Âu Mỹ nhiều hơn, khi đây là thị trường chủ đạo cho những hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Nhật. Những sản phẩm công nghệ cao đắt tiền của Nhật chỉ có thể được tiêu thụ ở thị trường phương Tây vốn có thu nhập cao hơn là các quốc gia châu Á khi đó vẫn còn rất nghèo nàn. Khi các quốc gia châu Á bắt đầu trỗi dậy trong những năm 80, với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và hai gã to xác là Trung Quốc và Ấn Độ, thì sự quan tâm của người Nhật tới châu Á mới bắt đầu thay đổi. Hàng hóa và đầu tư của Nhật đổ về các thị trường châu Á nhiều hơn, và khi châu Á Thái Bình Dương chính thức trở thành trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới thì Nhật Bản bắt đầu phải tính đến việc thay đổi chiến lược của mình.
Theo đó, chỉ trong khoảng hai thập kỷ tới, châu Á Thái Bình Dương sẽ gần như trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới cũng như trung tâm chính trị đáng chú ý nhất toàn cầu với sự trỗi dậy của hai gã khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Gần như chắc chắn Nhật Bản sẽ bị cuốn vào cơn bão này và Tokyo cần có sự chuẩn bị. Mối uy hiếp lớn nhất với Nhật Bản trong tương lai gần như chắc chắn sẽ là Trung Quốc, và để đối phó với Trung Quốc thì những sự chuẩn bị về quốc phòng an ninh thôi là chưa đủ.
Nhật Bản cần cạnh tranh ảnh hưởng và kinh tế với Trung Quốc ngay tại châu Á Thái Bình Dương nữa. Chiến lược Đại Đông Á vì thế bắt đầu được nhắc lại, khi người Nhật cần xác định một trọng điểm trong việc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc về kinh tế và chính trị. Nếu như trong thế chiến hai, Nhật Bản muốn thống lĩnh toàn bộ Đại Đông Á dưới quyền lãnh đạo của mình, thì giờ đây mục tiêu đặt ra là Nhật Bản cần đóng vai trò quan trọng nhất trong khu vực kinh tế rộng lớn và đa dạng này.
Để làm được điều này, Nhật Bản cần một đối tác chủ chốt, và đối tượng được Tokyo nhắm tới là Australia, cường quốc và cũng là đồng minh của Mỹ trong khu vực. Những cuộc hội đàm về một liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Australia đã được bắt đầu từ năm 2006, Australia cũng bắt đầu thương thảo một hợp đồng mua tàu ngầm quân sự của Nhật Bản và một thỏa thuận cho phép hai nước tập trận chung có thể sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Một thỏa thuận tự do thương mại giữa hai nước cũng chính thức có hiệu lực bắt đầu từ năm nay.
Nhật Bản không hề giấu diếm việc tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng kinh tế cũng như chính trị quốc phòng với Australia – nơi Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng về kinh tế của mình. Trong chiến lược Đại Đông Á, thì Nhật Bản và Australia là hai cường quốc lớn nhất ở hai đầu Nam Bắc, một khi hai đầu này nối kết lại với nhau, các quốc gia Đông Nam Á sẽ dần bị hút vào tuyến đường kết nối kinh tế giữa hai cường quốc này.
Chiến lược Đại Đông Á của Nhật Bản, vì thế đang là cái gai trong mắt Trung Quốc. Trong chiến lược trỗi dậy của mình, Trung Quốc cũng coi khu vực châu Á Thái Bình Dương là nền tảng quan trọng nhất. Để vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới, Trung Quốc cần đặt một nền tảng vững chắc ảnh hưởng của mình ở châu Á Thái Bình Dương. Nếu như bị Nhật Bản tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở khu vực này, Trung Quốc sẽ mãi chỉ là một con ngáo ộp ngay trên sân nhà.
Các đối tác ở Âu Mỹ hay châu Phi của Trung Quốc là những đối tác ở quá xa và nước xa không thể cứu được lửa gần, khi mà phần lớn sự thịnh vượng của kinh tế Trung Quốc là mối quan hệ kinh tế thương mại với các quốc gia trong khu vực. Bị bẻ gãy ảnh hưởng kinh tế ở các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ chỉ là một con cua bị bẻ mất một nửa số càng của mình.
Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng sống còn ở châu Á Thái Bình Dương này, thì Nhật Bản đang có lợi thế hơn. Tầm nhìn vĩ mô của người Nhật chỉ tập trung vào khu vực Đại Đông Á này, trong khi tầm nhìn và tham vọng của Trung Quốc lại dàn trải ra ở tầm thế giới khi Bắc Kinh luôn đặt mục tiêu trở thành siêu cường tầm cỡ toàn cầu. Sự dàn trải nguồn lực này sẽ khiến Trung Quốc gặp bất lợi trong việc cạnh tranh các mục tiêu có quy mô nhỏ hơn với Nhật Bản vốn có mức độ tập trung nguồn lực lớn hơn.
VietBF ©Sưu tập