Sau khi ông Tập Cận Bình "sờ" đến quân đội, số vụ tướng lĩnh Trung Quốc tại ngũ "chết bất thường" gia tăng.
Đa Chiều ngày 29/1 đưa tin, sau khi chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi do ông Tập Cận Bình phát động đã diễn ra được 2 năm, hiện tượng tham quan tự sát, tướng lĩnh nhảy lầu liên tục xảy ra. Quá nhiều quan chức có dấu hiệu tham nhũng đang hoặc sắp bị điều tra đã "chết bất thường" khiến Trung Nam Hải không thể không chú ý.
Sau Tết Dương lịch, đảng ủy các tỉnh thành trực thuộc trung ương, các bộ ban ngành, các trường đại học, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị vũ trang đã nhận được thông báo của Ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu các đơn vị này thống kê các trường hợp quan chức "chết bất thường" trong địa bàn, đơn vị mình kể từ sau đại hội 18.
Đối tượng quan chức "chết bất thường" được yêu cầu thống kê theo 6 nhóm, cấp bậc từ trung ương tới địa phương cơ sở, bao trùm toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng sau đại hội 18 khiến tỉ lệ quan chức, tướng tá "chết bất thường" tăng mạnh, việc thống kê này sẽ có lợi cho Trung Nam Hải trong điều chỉnh cách làm, cung cấp căn cứ cho cuộc chiến chống tham nhũng.
Công điện của Ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có 2 phần, phần danh sách thống kê quan chức "chết bất thường" và phần chú thích, ghi rõ nội dung mỗi vụ việc. Tỉnh ủy Sơn Tây đã triển khai công văn này xuống các đơn vị, trong đó yêu cầu các địa phương đơn vị trực thuộc báo lên những trường hợp "chết bất thường". Thời hạn các địa phương báo về Ban Tổ chức cán bộ cấp mình là ngày 15/1/2015 để tổng hợp báo cáo.
Đối với các quan chức "chết bất thường" do tự sát cần phải làm rõ địa điểm, phương thức tự sát. Địa điểm tự sát lại được chia nhỏ: Trụ sở cơ quan, nhà riêng, khách sạn nhà nghỉ, văn phòng chỉ đạo chống tham nhũng, đồn cảnh sát, nhảy cầu, công viên, bệnh viện và các nơi khác. Phương thức tự sát của các quan chức cũng phải xác định rõ: Treo cổ, nhảy lầu, nhảy cầu, nhảy sông, cắt mạch máu, uống thuốc ngủ, dùng súng và hình thức khác.
Công điện của Ban Tổ chức cán bộ tỉnh ủy Sơn Tây yêu cầu các địa phương đơn vị báo cáo về trường hợp quan chức tự sát trên địa bàn, đơn vị mình để báo cáo về trung ương.
Nguyên nhân tự sát của các quan chức, tướng tá Trung Quốc cần làm rõ vì sao: Vi phạm kỷ luật - pháp luật, trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần, áp lực công việc lớn, áp lực cuộc sống quá lớn, mâu thuẫn gia đình, nguyên nhân không rõ. Khi quan chức tự sát, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật có điều tra họ hoặc thân nhân, những người liên quan đến họ hay không.
Tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời ông Uông Ngọc Khải, một giáo sư của học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc cho biết, không ít quan chức không chịu nổi áp lực của cuộc chiến chống tham nhũng nên đã phải tự sát. Việc nắm rõ các sỗ liệu liên quan đến những cái chết bất thường của quan chức Trung Quốc là cần thiết, bởi dư luận xã hội cho rằng tự sát là lựa chọn tốt nhất cho quan chức. Tự tử rồi, họ còn giữ được tài sản do tham nhũng mà có và danh dự.
Tờ Nam Phương cuối tuần thì thống kê, từ cuối tháng 8/2003 đến đầu tháng 4/2014 có 112 quan chức Trung Quốc tự sát, bình quân mỗi năm hơn 10 người, trên địa bàn 26 tỉnh thành, trong đó 70% là quan chức cấp sở trở xuống. 3 năm trở lại đây, 2012 có 12 quan chức tự sát trong đó 4 người liên quan đến tham nhũng. Năm 2013 có 7 quan chức, 2 người do tham nhũng. Riêng năm 2014 con số quan chức tự sát tăng đột biến lên 39 người, trong đó 10 người liên quan đến tham nhũng.
Sau 2 năm "đả hổ đập ruồi", tình trạng "quan tham không thiết sống" bắt đầu diễn biến sang "tướng tham tự sát". Sau khi ông Tập Cận Bình "sờ" đến quân đội, số vụ tướng lĩnh Trung Quốc tại ngũ "chết bất thường" gia tăng, cho đến nay đã có ít nhất 3 viên Trung - Thiếu tướng quân đội Trung Quốc tự sát, 2 người nhảy lầu và 1 người thắt cổ.
VietSN© Sưu tập