Bất chấp những bất ổn có nguy cơ gia tăng đối với nền kinh tế quốc nội, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế với giấc mơ biến Nhân dân tệ thành đồng tiền mạnh, ngang hàng với USD. Và cách làm của Trung Quốc cũng thật đặc biệt: trở thành "trùm cho vay" của những quốc gia đang khó khăn về kinh tế.
Cho các nước đang cần tiền vay, đổi lại bằng những điều kiện đặc biệt hoặc chấp nhận khoản vay bằng Nhân dân tệ, đó là cách thức mới của Trung Quốc để đạt được tầm ảnh hưởng mới trên thế giới. Một cách không giống ai.
Trên thực tế, từ trước đến nay thế giới vẫn luôn có những tổ chức đảm nhiệm việc cho các quốc gia vay tiền khi có nhu cầu cần thiết, như tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF. Hầu hết các nước thuộc đối tượng cần vay tiền của IMF là các quốc gia có vấn đề về kinh tế, hoặc là khủng hoảng do điều hành kém cỏi, hoặc là bị trì trệ do đóng cửa quá lâu.
Chính vì vậy, những khoản tiền mà IMF cho các nước này vay luôn đi kèm với những điều kiện bắt buộc mà tổ chức này thấy cần thiết để cải thiện tình hình nền kinh tế nước sở tại, tránh xảy ra trường hợp những khoản vay này đổ sông đổ biển. Cũng vì thế mà khá nhiều nước không thích vay tiền của IMF và chỉ vay của tổ chức này khi không còn cách nào khác, thường gắn liền với những thay đổi về hệ thống.
Nhưng Trung Quốc thì không cần những điều kiện đó. Bắc Kinh hướng đến những mục tiêu thiết thực hơn là cải thiện hệ thống chính trị và nền kinh tế nước sở tại.
Cái mà Trung Quốc cần là những nguồn tài nguyên có thể đảm bảo cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong tương lai, sự mở rộng việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch thanh toán quốc tế. Đó mới là điều mà Trung Quốc nhắm đến. Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu này từ lâu, nhưng chỉ từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 nổ ra, Trung Quốc mới xúc tiến quá trình này một cách nhanh chóng.
Không ai có thể quên cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã tước đi của Trung Quốc những gì. Việc Mỹ in thêm USD để giải cứu nền kinh tế của nước này đã tạo nên một cú sốc lạm phát lan ra khắp thế giới do việc đồng USD mất giá.
Trong số những nước chịu thiệt hại nặng nhất, Trung Quốc đứng đầu bảng, khi dự trữ quốc gia của đất nước Đông Á này lên tới hàng nghìn tỷ USD, đứng đầu thế giới về lượng dự trữ USD. Khối dự trữ lên tới hàng ngàn tỷ USD đã bốc hơi mất một phần không nhỏ do USD mất giá, Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài ngậm đắng nuốt cay nhìn một phần lớn của cải của mình bỗng dưng không cánh mà bay.
Cũng từ đó, Trung Quốc ngoài việc chuyển đổi một phần dự trữ ngoại tệ sang phương thức khác, như vàng hoặc đồng Euro, nhưng một phần lớn trong đó vẫn là USD. Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh việc biến Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế.
Điều này được coi là khó khăn vì dù Trung Quốc đã là cường quốc kinh tế số một thế giới, thì ảnh hưởng của nước này lên kinh tế thế giới vẫn khá khiêm tốn. Trung Quốc chưa có những tập đoàn xuyên quốc gia hùng mạnh có mặt ở nhiều nước trên thế giới và đủ sức khuynh đảo các nước này như Mỹ hay Nhật.
Chính vì vậy Bắc Kinh đã sử dụng một phương thức khác, là quỹ chuyển đổi tiền tệ thông qua hình thức cho vay và trợ giúp kinh tế. Đối tượng Bắc Kinh hướng đến là các nước đang gặp khó khăn về kinh tế đang cần những khoản vay mà không bị áp đặt các điều kiện như của IMF.
Khi đó Trung Quốc có thể cho các nước này vay trực tiếp bằng USD, nhưng thông thường là bằng Nhân dân tệ để thúc đẩy việc biến đồng tiền này tham gia nhiều hơn vào giao dịch thanh toán quốc tế, đổi lại các nước này sẽ chấp nhận các điều kiện mà Trung Quốc đòi hỏi, thường là sự cung cấp tài nguyên, như dầu mỏ và các nguyên liệu thô mà Trung Quốc cần để tăng trưởng kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, số nước ký kết các thỏa thuận về hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc đã lên tới 28, nhưng những nước đã tiến hành thỏa thuận này thì không nhiều. Gần nhất là Venezuela và Argentina chấp nhận những khoản vay của Trung Quốc dưới hình thức hoán đổi tiền tệ bằng đồng Nhân dân tệ, trong đó tổng nợ của Venezuela vay của Trung Quốc lên tới 47 tỷ USD, tính từ năm 2007 đến nay. Mới đây nhất, bộ trưởng thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cũng đang gạ gẫm Nga chấp nhận thỏa thuận này với Trung Quốc với trị giá lên tới 24 tỷ USD.
Theo giới phân tích, dù Trung Quốc đang sở hữu quỹ dự trữ gần 4.000 tỷ USD, đủ sức trở thành "ông trùm cho vay" quyền lực nhất thế giới và có thể soán ngôi IMF, nhưng thực tế điều đó khó có thể xảy ra.
Hầu hết các nước ký thỏa thuận này với Trung Quốc đều là những nước dồi dào các loại tài nguyên mà Trung Quốc cần, trong số đó chỉ những nước nào gặp khủng hoảng kinh tế trầm trọng mới chấp nhận thỏa thuận vay tiền của Trung Quốc. Bắc Kinh không hào hứng với việc cho những nước không có tài nguyên vay tiền, những nước không gặp khó khăn kinh tế cũng không thích thú gì với việc vay tiền của Trung Quốc.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
MTG