Khi thời tiết chuyển từ nóng ấm sang se lạnh và lạnh sẽ là lúc bạn cần quan tâm hơn đến cơ thể. Sự thay đổi thời tiết có thể khiến sự cân bằng hormone trong cơ thể bị thay đổi, từ đó dẫn đến thiếu hụt vitamin và làm giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh.
Khi sang đông, cơ thể bạn có thể dễ gặp các bệnh như mỏi mắt, đau đầu, da khô, môi nứt nẻ hay cảm cúm... Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là bổ sung vitamin. Hãy tận dụng nguồn vitamin trong một số thức ăn để nâng cao sức kháng cơ thể và ngăn ngừa một số bệnh.
1. Chống mỏi mắt
Trong nhiều buổi sáng mùa đông, bạn không thể nào mở mắt ngay được dù rất muốn. Thậm chí ngay cả khi làm việc bạn cũng thấy mắt mình rất nhanh mỏi và luôn có cảm giác mí mắt nặng xuống. Đó là bởi cơ thể bạn đang bị thiếu vitamin A. Để bổ sung vitamin A cho cơ thể, hãy lựa chọn các loại thực phẩm như cà rốt, lạc, gan lợn,gan cá, các loại rau nhà hành xanh, rau ngót, ớt đỏ...
2. Chống đau đầu
Khi bạn mải mê công việc và bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường, lập tức bạn cảm thấy đau đầu, mệt mỏi. Thậm chí chỉ cần ra ngoài lạnh mà không quàng khăn ấm là bạn cũng bị đau đầu. Nguyên nhân khiến bạn dễ bị đau đầu trong mùa lạnh là do cơ thể thiếu vitamin B1. Vitamin B1 rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của cơ thể con người.
Thiếu hụt B1, cơ thể còn có thể bị suy nhược cơ bắp, rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng hệ thần kinh.
Bạn có thể bổ sung vitamin B1 bằng cách dùng nhiều gạo hoặc cháo yến mạch cho bữa sáng. Ngoài ra, vitamin B1 còn có nhiều trong bột mì,bột đậu xanh, thịt gà, nấm, thịt lợn, lòng đỏ trứng, măng tây...
3. Chống nứt môi, khô nẻ chân tay, viêm da
Vào mùa đông, rất nhiều người mắc phải các bệnh về da như nứt môi, nẻ chân tay, khô da, viêm da, ngứa da... Sở dĩ bạn dễ bị các bệnh này trong mùa đông là do cơ thể bạn bị thiếu hụt vitamin B2.
Trong cơ thể, vitamin B2 trực tiếp tham gia vào các phản ứng ôxy hóa, khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hoá của tế bào; chuyển hoá các chất: đường, đạm, béo ra năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động, tác động đến việc hấp thu, dự trữ và sử dụng sắt trong cơ thể.
Để tăng cường vitamin B2 cho cơ thể, hãy chọn các loại thực phẩm như sữa cà các sản phẩm từ sữa, pho mát, gan động vật, thịt lợn nạc, bánh mì đen,...
4. Chống cảm cúm, cảm lạnh
Nhiệt độ thấp trong mùa đông chính là điều kiện cơ thể bạn dễ mắc bệnh cúm hoặc cảm lạnh. Đó là do sức đề kháng của cơ thể bạn giảm. Sức đề kháng giảm chủ yếu do cơ thể bị thiếu vitamin C.
Vitamin C là một chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin C dù chỉ với hàm lượng rất nhỏ sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vitamin C còn kích thích quá trình tổng hợp và duy trì chất tạo keo, kết quả là tăng sức đề kháng và sự khỏe mạnh của các mô: da, sụn, dây chằng, thành mạch máu (nhất là mao mạch), răng xương. Vì vậy, khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin C thì sức đề kháng của cơ thể tăng và bạn cũng tránh được các bệnh cúm cũng như cảm lạnh.
Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng cách ăn các thực phẩm như: rau xanh (cà rốt, củ cải đỏ, khoai tây), trái cây (cam, quýt, chanh, bưởi...) và sản phẩm khác như sữa, phô mai...
SKĐS