Báo Libération dành hồ sơ lớn bình luận về cái chết của thanh niên da đen tại Ferguson, Mỹ. « Kỳ thị chủng tộc : Giấc mơ tan vỡ » là tựa trên trang nhất. « Tôi có một giấc mơ », lời phát biểu hùng hồn đầy hy vọng của mục sư Martin Luther King giờ đây trở nên xa vời, sau cái chết của thanh niên da đen Michael Brown và viên cảnh sát da trắng, thủ phạm của vụ việc này lại được trắng án, đã gây làn sóng giận dữ trong dân chúng. Sự việc trên cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc.
Cư dân Ferguson biểu tình: Vụ Michael Brown cho thấy nước Mỹ đang
bị chia rẽ sâu sắc - REUTERS /Lucy Nicholson
Theo xã luận Libération đề tựa « bước ngoặc », đúng một năm sau thảm kịch tại Ferguson, ở Hoa Kỳ cũng như tại khắp nơi trên thế giới, ai ai cũng chợt nhận ra rằng không phải chỉ bầu ra một tổng thống da đen là có thể xóa bỏ được nạn kỳ thị chủng tộc.
Năm mươi năm sau khi bãi bỏ các đạo luật Jim Crow phân biệt màu da tại nước Mỹ, người dân Hoa Kỳ lại khám phá ra có đến hai thành phố Ferguson, một của người da trắng và một của người da đen và họ hiếm khi nào chạm mặt nhau.
Đặc biệt, có đến hai nước Mỹ, một nước Mỹ da trắng được sống trong những điều kiện tốt nhất và ít bị cảnh sát dòm ngó hơn nước Mỹ da đen. Thế tại sao vụ Micheal Brown lại trở nên ầm ĩ hơn các vụ việc trước đó ? Câu trả lời là vì Obama đã gây thất vọng cho dân chúng.
Vào năm 2014, tuổi thọ của người Mỹ gốc Phi kém hơn người da trắng đến 4 năm. Các hộ gia đình Mỹ trắng thu nhập trung bình 70% cao hơn người da đen, một khoảng cách lớn hơn cả tại Nam Phi, quốc gia nổi tiếng với nạn kỳ thị chủng tộc. Vừa sau cuộc bầu cử giữa kỳ với sự thất bại của đảng Dân chủ, nhiều người Mỹ đã lên bảng tổng kết những gì Tổng thống Obama đã làm được, người vốn được xem là mang lại nhiều kỳ vọng cho dân chúng Mỹ.
Giáo sư Andrew Diamond nhận xét : « ý chí chính trị đề cập đến vấn đề chủng tộc đã biến mất ». Tuy nhiên, tin vui là vụ Ferguson đã khơi lại vấn đề chủng tộc cần phải được tranh luận trong giới chính trị. Tin buồn là không thể trông chờ vào ông Obama để hàn gắn các vết rạn nứt chủng tộc trong xã hội.
Sau ông Obama, ai sẽ làm được điều đó. Tờ báo trả lới có thể đó là người luôn khắc cốt ghi tâm câu nói của mục sư Martin Luther King : « Bóng tối không thể xua tan bóng tối : chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không xua tan được hận thù mà chỉ có tình thương mới làm được ».
Lê Vy, rfi