Bản thân hình thức múa cột không có lỗi, nhưng việc để một đứa trẻ mới 8 tuổi phải hóa thân thành người lớn và biểu diễn để cho trở nên gợi cảm, cuốn hút là điều rất khó chấp nhận.
Màn biểu diễn múa cột của thí sinh 8 tuổi trong đêm chung kết Bước nhảy hoàn vũ nhí- Ảnh Lý Võ Phú Hưng
Trước hết, cần phải nói rằng, hình thức múa cột ngày nay đã trở nên phổ biến hơn chứ không còn bó hẹp ở trong các quán bar, vũ trường. Nó xuất hiện trong múa, xiếc và thậm chí cả ở sân khấu ca nhạc để tăng thẩm mỹ về thị giác. Các câu lạc bộ dạy múa cột cũng được mở ra nhiều hơn, khiến nó dần trở thành một bộ môn thể thao thực sự chứ không chỉ dừng lại ở "hình thức múa cột" như trước.
Tuy nhiên, nhìn lại nghệ thuật Việt nói chung, do tính chất khêu gợi, sexy và cả sự định kiến mà hình thức này chỉ được vận dụng một cách dè chừng. Nó cũng giống như việc, món cá sống là đặc sản của người Nhật nhưng người Việt lại thấy sợ hãi, và ngược lại, người Việt khoái khẩu với thịt chó trong khi phần lớn người nước ngoài cho đó là "dã man" vậy.
Một cuộc thi dành cho trẻ em và lại được phát trên truyền hình quốc gia như Bước nhảy hoàn vũ nhí có lẽ là chương trình đầu tiên mạnh dạn đưa múa cột cho trẻ thể hiện. Trong suốt cả mùa giải, cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ nhí không có thí sinh nào thể nghiệm với múa cột. Đến đêm chung kết, thí sinh Bảo Ngọc được giám khảo Đoan Trang-Phan Hiển biên đạo bài nhảy hóa thân thành Lady Gaga trong phần thi "Thần tượng".
Thí sinh Bảo Ngọc với màn biểu diễn hóa thân thành Lady Gaga- Ảnh Lý Võ Phú Hưng
Chỉ riêng phần hóa thân này đã gây nên nhiều tranh cãi cho rằng, Lady Gaga là một nhân vật "quái chiêu", ăn mặc hở hang, quái dị với đầy rẫy những scandal mà coi đó là "thần tượng" để các em biểu diễn là một lỗi lớn về mặt biên đạo và góc nhìn của người lớn, ở đây cụ thể là ban giám khảo và ban tổ chức.
Đỉnh điểm của sự tranh cãi còn nằm ở việc, một đứa trẻ 8 tuổi trở nên "người lớn hóa" khi khoe kỹ thuật điêu luyện với hình thức múa cột. "Múa cột không xấu, nhưng để một đứa trẻ phải thể hiện điều này khi còn quá nhỏ thì chỉ thấy phản cảm, tội nghiệp chứ không thấy đẹp gì cả", một bạn đọc nhận xét khi xem chương trình.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến không đồng tình, một số khán giả cũng đưa ra quan điểm cho rằng, múa cột xấu là vì cái đầu của người lớn nghĩ xấu. "Đến tận bây giờ mà vẫn có nhiều người mang định kiến rằng múa cột chỉ là loại hình rẻ tiền ở trong bar nhỉ ? Múa cột là một môn thể thao đích thực và thực sự là rất rất khó để múa được, nhìn cách múa cột của em ấy mình thấy hoàn toàn nể vì đó là những động tác khó và đòi hỏi kĩ thuật cao, chẳng thấy chút gì phản cảm ở những động tác đó cả. Nếu có thì chỉ là phản cảm ở trong định kiến của người xem thôi".
Linh Hoa với phần hóa thân thành ca sĩ Beyonce đã giành Quán quân-Ảnh Lý Võ Phú Hưng
Một biên đạo múa cũng cho biết, bản thân cái cột không có lỗi, nó chỉ là một đạo cụ trong bài diễn của thí sinh mà thôi. Cho nên, việc nó có màu sexy, khêu gợi như bản chất của loại hình này hay không cần phải xem các động tác biểu diễn của thí sinh với cây cột chứ không phải cứ là múa cột thì đều "gợi dục".
Cũng cần phải nói rằng, dù là cuộc thi nhưng nó phải "gánh vác" cả nhiệm vụ cao cả là giải trí nhằm thu hút người xem nên yếu tố gây tranh cãi nhiều khi cũng được sử dụng như một hình thức tăng rating và doanh thu cho chương trình.
Với độ dè chừng về bộ môn múa cột từ trước tới nay, người biên đạo, giám khảo hẳn không khó để lường trước sự trái chiều trong nhận định. Hay phải chăng giờ người Việt, trẻ em Việt đã trở nên quá "thoáng", cứ cái gì gợi cảm nhất là đưa về áp dụng bất chấp sự phù hợp trong văn hóa và độ tuổi?
Thảo Nguyên
Theo giadinh.net.vn