Tuổi già là tuổi của phúc lành
Đối với những tín đồ Công Giáo hầu như ai cũng đều biết những người bước vào tuổi già được ca tụng ra sao trong Kinh Thánh, “Tuổi già là hồng ân của Thiên Chúa, là phúc lành của Chúa,” người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan.”
Băng Huyền/ Viễn Đông
Thầy Kiệt và các học viên trong lớp luyện thi quốc tịch tại hội Cao Niên Á Mỹ
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng từng phát biểu: “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục sinh một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội.”
Còn bên Phật Giáo, Đức Phật có dạy rằng một người nếu có già về sinh học không quan trọng, vì nó là quy luật tự nhiên, ai cũng phải trải qua một lần. “Đó là quy luật tất yếu. Những gì được sinh ra phải trưởng thành, tồn tại, phát triển, biến dị và kết thúc để tiến tới một quy trình mới tạo ra cái khác. Điều mà đức Phật muốn nhắn nhủ các Phật tử là đừng bao giờ thấy ngõ cụt và sự bế tắc của tiến trình này. Vì nếu không có chiếc lá vàng rơi rụng vào mùa thu thì chắc chắn không bao giờ có những chiếc lá xanh nở vào mùa xuân cho chúng ta thưởng thức. Ở cuối tiến trình của già, tức cuối tiến trình của sự rơi rụng đó, là một sự nảy mầm của sức sống mới, đó là hình ảnh tích cực. Nếu mỗi người biết trẻ hóa tâm mình trong tuổi già thì chắc chắn người đó sẽ thấy rằng tuổi này là tuổi hạnh phúc nhất, bởi vì người già không cần phải nhọc nhằn theo năm tháng, chân lấm tay bùn, làm việc nặng nhọc, cực khổ như thời kỳ còn thanh xuân.”
Ưu điểm thường được nhắc đến về người cao niên, cho rằng người cao niên là một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm sống. Người cao niên góp phần quan trọng trong việc khuyên dạy con cháu, dòng họ, giúp nhiều người áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển các hình thức hoạt động giáo dục, y tế, v.v..
Bên cạnh những ưu điểm này, người cao niên còn có những hạn chế, như khi bước vào tuổi già, không ai tránh khỏi bị suy yếu các chức năng cơ thể. Khả năng nghe nhìn kém, gân cốt suy nhược khiến việc ngồi, đi đứng khó khăn; phản ứng chậm làm cho thân thể mất thăng bằng, dễ bị té ngã; mất trí nhớ tạm thời trong ngắn hạn, giảm tốc độ trong học tập và thường mắc một số bệnh về hô hấp, tim mạch, tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson, phong thấp, cao huyết áp (trung bình có từ 3-4 bệnh).
Nhận thức của người cao tuổi suy giảm, trí nhớ thay đổi: trí nhớ ngắn hạn giảm sút, họ sống nặng về nội tâm; tư duy kém năng động và kém linh hoạt; người cao tuổi thường khó chấp nhận cái mới và không thích phải thay đổi thói quen. Về tình cảm, người cao tuổi có cảm xúc nhạy bén, vui buồn dễ dàng. Tuy không phải tất cả, nhưng hầu như người già nào cũng thường có tâm lý tiêu cực như tự ti, có cảm giác mất mát, cô độc và suy giảm khả năng giao tiếp.”
Trong một thống kê của Liên Hiệp Quốc phổ biến năm 2000 cho biết cả thế giới có 600 triệu người già. Tài liệu này cho rằng ở các nước phát triển, cứ 6 người dân thì có 1 người trên 65 tuổi. Nếu xét về mối quan hệ giữa dân số và con người thì vấn đề già hóa dân số là một thành tựu đáng kể của một đất nước. Tuổi thọ của con người ngày càng cao chứng tỏ điều kiện sống của họ an toàn hơn, thu nhập khá hơn, dinh dưỡng đầy đủ hơn và hệ thống y tế chăm sóc con người được cải thiện hơn, tỷ suất sinh và tử đều giảm. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số nhanh lại tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống, sinh hoạt con người; ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, trong đó quan trọng nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho người cao niên; ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm và đầu tư của quốc gia.
Một nghiên cứu của Giáo Sư James Nazroo, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Manchester cùng với các đồng nghiệp ở UCLA và Viện Nghiên cứu Tài chính đã được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu, nhận xét rằng, “Về trung bình, những người thuộc nhóm kinh tế - xã hội thấp hơn chết sớm hơn những người cùng lứa tuổi nhưng giàu có hơn. Những người ở các tầng lớp kinh tế - xã hội thấp hơn và những người có ít của cải và ít được giáo dục hơn có nhiều khả năng mắc các chứng bệnh mà họ tự kể ra hơn như trầm cảm, và kéo dài như cao huyết áp, đái tháo đường và béo phì.
Những bất bình đẳng trong sức khỏe và tuổi thọ trung bình phát sinh từ những bất bình đẳng kinh tế xã hội kéo dài đến lứa tuổi già nhất, mặc dù chúng phổ biến hơn ở những người độ tuổi 50 đến 60. Nghỉ hưu sớm nhìn chung tốt cho sức khỏe và hạnh phúc của con người trừ khi người ta bị buộc phải làm thế (luôn luôn là do sự dư thừa lao động hoặc sức khỏe yếu). Những người bị buộc phải nghỉ hưu sớm nhìn chung có sức khỏe tinh thần kém hơn những người nghỉ hưu theo lộ trình, những người này lại có sức khỏe tinh thần kém hơn những người tự nguyện nghỉ hưu sớm.
Những người già tham gia vào các hoạt động không liên quan tới công việc, như là tình nguyện hoặc chăm sóc người khác, có sức khỏe tinh thần tốt hơn và hạnh phúc hơn, nhưng chỉ khi họ cảm thấy những đóng góp của họ được trân trọng và ghi nhận.
Giáo Sư James Nazroo khẳng định, “Tuổi thọ trung bình tăng lên làm gia tăng những thách thức lớn cho chính sách công cộng. Trong số đó có sự cần thiết phải ứng phó với sự bất bình đẳng về vị trí kinh tế và tuổi thọ trung bình của người già. Thêm vào đó, mặc dù có một thực tế là tất cả chúng ta đang sống lâu hơn, nhưng nhiều người hiện nay đã ngừng làm việc trước tuổi nghỉ hưu quy định và một bộ phận lớn những người này vẫn có khả năng cung cấp đầu vào tích cực cho xã hội, nền kinh tế và bản thân chất lượng cuộc sống của chính họ. Những phát hiện của chúng tôi sẽ giúp chúng ta hiểu được xã hội có thể giúp con người nhận ra tiềm năng này như thế nào.”
Nơi sinh hoạt dành cho người cao niên
Với người cao niên gốc Việt sống tại Hoa Kỳ, hầu như mỗi thành phố nơi có nhiều người Việt sống đều có các trung tâm cộng đồng hay những hội tổ chức vô vị lợi (Non Frofit Organization) dành cho người Việt cao niên nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người cao niên đang phải sống tha hương nơi đất khách quê người.
Một trong những nơi sinh hoạt dành cho người cao niên gốc Việt mà người viết bài có dịp đến thăm và tìm hiểu chính là Hội Cao Niên Á Mỹ (Là hội tổ chức vô vị lợi) tọa lạc tại 220 Hospital Cicle, thành phố Westminster, Ca 92683. Hội đã thành lập 24 năm, ngoài các hoạt động xã hội chăm lo đời sống tinh thần, giúp đỡ vật chất cho quý cao niên. Hội còn có mục đích giúp con cháu và thế hệ trẻ mai sau không quên phong tục, tập quán của người Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Hội đã lập ra Ban Tế Nữ Quan 23 năm qua và hằng năm, cứ vào ngày Giổ tổ Hùng Vương, hội lại tổ chức cúng tổ với những nghi thức truyền thống do ban tế Nữ Quan thực hiện nhằm nhắc nhở con dân Việt tưởng nhớ công ơn cao dày của vị Quốc Tổ tạo dựng đất nước Việt Nam.
Tương tự như những hội dành cho người cao niên khác, Hội Cao Niên Á Mỹ nhận giúp các vị cao niên hưởng những quyền lợi về sức khỏe, có lớp ESL và lớp căn bản điện toán, giúp điền đơn, Luyện Thi, chuẩn bị phỏng vấn để nhập tịch Hoa Kỳ, giúp các vị cao niên hưởng những quyền lợi về y tế, những người thu nhập thấp, chưa có bảo hiểm sức khỏe sẽ được khám bệnh miễn phí diễn ra một lần vào mỗi tháng…. Làm hội viên của hội, chỉ đóng niên liễm $5 mỹ kim một năm, nhưng khi các hội viên cần giúp bất cứ gì liên quan đến giấy tờ, luôn nhận được những trợ giúp hết mình của các thiện nguyện viên của hội.
Ông Nguyễn Văn Chúc (77 tuổi) kể rằng khi ông mới sang Mỹ định cư vào năm 2003, ông may mắn biết về hội cao niên Á Mỹ, nên đã đến sinh hoạt tại đây, rồi gắn bó và trở thành thiện nguyện viên của hội từ đó đến nay. “Khi đó tôi mới ở Việt Nam sang, chưa hiểu biết gì bên này. Con rể là người Mỹ, mà tôi lại chẳng biết một chữ tiếng Anh. Cũng nhờ đến hội học lớp ESL với thầy Duy, sau đó học thi quốc tịch với thầy Kiệt, nay tôi đã có quốc tịch rồi. Tôi còn học lớp nhạc với thầy Xuân Cường.”
Theo ông Chúc, hội cao niên Á Mỹ có rất nhiều thứ để giúp người già tìm vui. Ông xem nơi sinh hoạt này giống như gia đình, là trung tâm của tình thân và tình thương. Vì đây là cơ hội quý để nối kết những người khác dòng tộc huyết thống trở thành một đại gia đình. Ông bảo chưa chắc ở nhà với con cháu mà có được tình thân kết nối, tình huynh đệ ở mọi miền đất nước nối những phương ngữ, ngữ điệu khác nhau, phong tục tập quán, cách thức sinh hoạt ứng xử hoàn toàn khác nhau như tại đây. Nhờ gặp gỡ những người cùng trang lứa giúp ông có cơ hội học hỏi những nền văn hóa của những người bạn đến từ nhiều nơi trên mọi miền khác nhau của đất nước. Có thêm cơ hội chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Còn với ông Minh Hải, một thiện nguyện viên gắn bó với hội hơn 1 năm qua, là người chuyên giúp hội sửa chữa những đồ vật phế thải của mọi người không dùng đến, trở thành những món đồ hữu dụng, bán rẻ lại cho người cần đến, để lấy tiền giúp những sinh hoạt tại hội… ông cho biết người cao niên gốc Việt rất cần có những nơi sinh hoạt giống như hội Cao Niên Á Mỹ. Nơi đây giúp người già cô đơn tìm thấy tình thương với rất nhiều sinh hoạt hữu ích diễn ra suốt 7 ngày trong tuần, các lớp học khác nhau với các thời khóa biểu mỗi ngày, ngoài ra ai thích ca hát, thì có lớp dạy từ căn bản đến nâng cao, có lớp dạy đàn….
Các thầy cô dạy tại đây rất tận tâm và trách nhiệm. Học phí chỉ tượng trưng, ai không có khả năng thì được miễn phí. Mọi người đến đây sinh hoạt đều quý mến nhau, ý thức về đời sống cộng đồng, đời sống xã hội, ý thức về đời sống cần phải thiết lập các mối quan hệ trên nền tảng của trái tim. Vì vậy ai đã sinh hoạt tại đây rồi, thì đều gắn bó khó mà rời xa nơi này. Tuổi già thay vì cô đơn ở nhà với 4 bức tường, thì hãy đến đây sinh hoạt, sẽ nhận được nhiều niềm vui sống.
Theo ông, nếu người già biết đối diện với tuổi già bằng nghệ thuật, ông tin chắc những người già sẽ sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn và mang hạnh phúc đó đến những người xung quanh. (bh)
(còn tiếp)