Thay vì chuyên canh sầu riêng, chôm chôm như nhiều nông dân trong vùng, ông Tư Hiền (54 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Lách, H.Chợ Lách, Bến Tre) lại chọn sa kê và đã thành công nhờ loại cây “lạ” này.
Sa kê - Ảnh: Công Hân
Trồng chơi, ăn thiệt
Hơn 10 năm trước, nhân một lần ghé thăm miền Đông, ông Tư Hiền khám phá ra sa kê, một loài cây không kén đất; không kỵ nước mặn, nước phèn; ở nơi nào cũng trồng được và có tuổi thọ cả trăm năm. Ăn thử mấy món làm từ trái sa kê, ông thấy rất ngon và có giá trị dinh dưỡng. Từ đó, ông nảy sinh ý định mang cây sa kê về quê hương Bến Tre trồng thử.
Năm 2003, ông Tư Hiền bắt đầu mua đất trồng sa kê. Thấy ông quyết định trồng loại cây “lạ” trên vùng đất chuyên canh cây ăn trái, bà con lối xóm “quở” ông… khùng. Mặc kệ lời ra tiếng vào, ông lựa mua 20 nhánh chiết của các cây sa kê khỏe mạnh, sai trái về trồng. Do chưa có kinh nghiệm nên ban đầu, số nhánh sa kê chết lên đến phân nửa. Sau thời gian tự mày mò tìm hiểu, lượng cây sa kê bị chết do trồng bằng nhánh chiết giảm còn 20%.
Sau 10 năm trồng sa kê, ông Tư Hiền đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Ông cho biết sa kê là loại cây có rễ ăn sâu xuống đất, dù bị gió bão làm ngã, cây vẫn lên tược. Bình thường rễ bò tới đâu cây con nhú lên tới đó. Từ khi cây lú “đỉa” (giống như dái mít), rụng đỉa đến thu hoạch trái khoảng 90 - 100 ngày. Sa kê chính vụ thu hoạch vào tháng 7 âm lịch. Cây trưởng thành thu hoạch một đợt chừng 20 kg trái. 3 năm tiếp theo thu hoạch được 50 kg. Nếu chăm sóc đúng quy trình, sa kê sẽ cho trái quanh năm. Một cây có thể cho tới 3 - 4 tấn trái/năm. Trái sa kê lớn có khi nặng đến 2 kg.
Vợ chồng ông Tư Hiền bên hệ thống chiết xuất rượu sa kê.
Ảnh: Phương Kiều
Đa dạng sản phẩm từ sa kê
Khi vườn sa kê đã lên xanh tốt, ông Tư Hiền bắt đầu tìm cách chế biến trái sa kê thành thực phẩm. Bước đầu, trái sa kê được ông gọt vỏ, xắt lát, chiên vàng thành món ăn chơi. Tiến lên một bước, ông làm bột sa kê. Ông Tư Hiền cho biết bột sa kê hòa với nước lạnh, thêm chút đường cát, nhồi đều, khi chiên sẽ nở phồng, ăn ngon như bánh tiêu. Các loại khoai, củ, cá... lăn qua loại bột này, đem chiên giòn sẽ ăn ngon hơn.
Với cái đầu không ngừng tìm tòi, ông Tư Hiền nghĩ đến việc dùng bột sa kê thay nếp, gạo... để chưng cất rượu. Tuy nhiên, lúc mới bắt tay vào thực hiện, ông đã gặp thất bại. Mắc cỡ với láng giềng, ban đêm vợ chồng ông phải đem đổ “rượu thử nghiệm” xuống mương. Không nản chí, vợ chồng ông Tư Hiền rút kinh nghiệm và tiếp tục làm. Đến năm 2007, ông đã thành công trong việc làm ra rượu sa kê. Cứ 4,5 kg trái chiết xuất được 1 lít rượu 38 độ. Rượu sa kê uống mau say nhưng chóng tỉnh, không gây nhức đầu. Khi nghe một số người chê rượu có màu trắng, uống “ngán”, ông Tư Hiền liền nhớ tới lá sa kê thường được bà con nấu nước uống trị bệnh. Ông dùng lá sa kê héo vàng, rửa sạch, nấu cho sắc lại rồi đem pha vào rượu. Vậy là rượu sa kê của ông vừa có màu vàng đẹp mắt vừa tốt cho sức khỏe nên được nhiều người ưa chuộng. Rượu sa kê có giá khá cao, 100.000 đồng/lít nhưng số lượng làm ra không đủ bán. Ông phải mua thêm trái sa kê bên ngoài với giá 7.000 đồng/kg để sản xuất rượu.
Không dừng lại ở việc làm ăn nhỏ lẻ, vợ chồng ông còn thu hút thêm 4 hộ lân cận tham gia trồng sa kê trên gần 8 công đất và thành lập Tổ hợp tác Kim Xuân, chuyên sản xuất giống cây trồng và các sản phẩm từ sa kê. Năm 2011, Tổ hợp tác đã cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 nhánh sa kê giống. Trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ nâng số lượng lên 20.000 nhánh, để đáp ứng kịp thời nhu cầu trên địa bàn và phân phối đi các tỉnh như An Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Thuận...
Phương Kiều
Thanhnien