Trong số những phong trào gọi là "Mùa xuân Arab" ở nhiều nước Trung Đông, cuộc khủng hoảng ở Syria khốc liệt và tàn phá nhất. Đối với Mỹ, cuộc chiến chống lại Assad phức tạp và rủi ro hơn nhiều so với việc chống lại Muammar Gaddafi của Libya.
Kết cục bi thảm của Gaddafi liệu có lặp lại với Assad?
Cuộc khủng hoảng Syria không phải là cuộc nội chiến đầu tiên trong khu vực có sự tham gia quân sự tiềm năng của Mỹ. Năm 2011, Mỹ và đồng minh đã thực hiện các cuộc không kích hạn chế bằng tên lửa, thiết lập vùng cấm bay và hỗ trợ phe đối lập Libya chiến đấu chống lại Gaddafi.
Tình hình ở Syria chắc chắc phức tạp hơn nhiều so với Libya năm 2011. Bên cạnh đó, phản ứng của cử tri Mỹ khi biểu quyết can thiệp quân sự vào Libya có thể đưa đến cái nhìn thú vị khi so sánh với Syria.
Đầu tiên, quy mô của cuộc xung đột Syria lớn hơn nhiều so với Libya. Ngay từ tháng 1, phóng viên Ian Black của tờ Guardian đã viết về số lượng người thiệt mạng trong cuộc xung đột Libya: "Chính phủ mới của Libya đã giảm mạnh ước tính số người chết trong cuộc cách mạng lật đổ chính quyền Muammar Gaddafi, kết luận rằng có 4.700 người ủng hộ phiến quân thiệt mạng, 2.100 người mất tích. Con số thương vong của phe chính phủ cũng tương tự".
110.000 người so với 14.000 người. Cuộc chiến ở Syria không chỉ khốc liệt bởi những con số thương vong khủng khiếp mà còn số lượng khổng lồ người tị nạn. Toàn bộ cuộc đấu tranh vô cùng cùng phức tạp và cơ hội để Mỹ đạt được mục tiêu nếu can thiệp sẽ thấp hơn nhiều so với triển vọng thành công ở Libya.
Về phần ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tình hình ở hai nước cũng rất khác biệt. Tháng 3.2011, hơn một chục quốc gia liên minh đã dốc lòng can thiệp vào Libya. Rõ ràng chỉ rất ít nước hứng thú với một cuộc can thiệp thứ hai vào Syria.
Thêm vào đó, những nỗ lực can thiệp quân sự vào Libya không bị cản trở nhiều bởi Nga và Trung Quốc. Tháng 6.2011, phóng viên Kenneth Rapoza của tạp chí Forbes viết rằng "cả Nga và Trung Quốc đều có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng đã lựa chọn cách né tránh Nghị quyết 1973 cho phép thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ dân thường Libya". Tuy nhiên đối với trường hợp Syria, Nga đang kiên quyết bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad và kết cục là cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria có thể làm tổn thương mối quan hệ vốn đã mong manh Nga-Mỹ.
Về tổng thể, cuộc xung đột Syria phức tạp hơn, khốc liệt hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với Libya do những nguyên nhân chính là: Nga bảo vệ Syria, sự tranh giành của các nhóm tôn giáo Syria, chi phí cao cho quá trình tái thiết sau can thiệp quân sự và sự thiếu rõ ràng trong mục đích của hành động quân sự Mỹ.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân đáng ngại nhất đối với chính quyền hay ít nhất là các cử tri Mỹ nữa. Trung tâm nghiên cứu Pew đã tiến hành thăm dò về việc can thiệp quân sự vào Libya. Cuối tháng 3, 39% người Mỹ tin rằng Mỹ và đồng minh có mục đích rõ ràng ở Libya, 50% không đồng tình. Đầu tháng 4, con số này thậm chí tệ hơn: chỉ có 30% người Mỹ nhìn thấy mục đích rõ ràng của Mỹ, 57% phản đối. Ai cũng có thể tưởng tượng được, những con số tiêu cực trong kết quả thăm dò về kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria.
Có hai bài học từ Libya mà người Mỹ có thể áp dụng đối với Syria. Một là cuộc chiến chống lại ông Assad phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với cuộc chiến chống Gaddafi. Giả sử ông Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình ngay cả khi ông ta ở thế thượng phong, thì liệu ông ta sẽ làm gì khi sự can thiệp của Mỹ đe dọa viễn cảnh chiến thắng của ông ta trong cuộc nội chiến? Hai là, sự can thiệp quân sự vào Syria không có những mục đích không rõ ràng. Có thể đây là những nguyên nhân khiến cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải suy nghĩ lại về sự cần thiết can thiệp vào Syria, trong đó nguyên nhân thứ 2 được xem là quan trọng hơn.
Theo Globalist
Laodong