Các nhà chức trách ở thành phố Kesennuma thuộc miền bắc Nhật Bản vừa cho tháo dỡ con tàu cá nổi tiếng mang tên Kyotoku-maru số 18, một trong những biểu tượng đau thương của thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.

Tàu Kyotoku-maru số 18 là một trong những biểu tượng đau đớn nhất về thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản tháng 3/2011.
Một buổi lễ cầu nguyện cho con tàu đã được tổ chức gần đó trước khi các công nhân bắt đầu "hóa kiếp" cho phương tiện dài 60m này.
Kế hoạch tháo dỡ được tiến hành sau khi gần 70% số người ở địa phương cho biết trong một cuộc thăm dò dư luận rằng họ muốn con tàu không hiện diện ở đó nữa.

Các hoạt động tháo dỡ bắt đầu.
Các nhà chức trách cho biết, việc tháo dỡ được dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 19/10.
Hãng tin Jiji Press của Nhật Bản dẫn lời chủ tàu cho biết: "Tôi xin lỗi những người hứng chịu thảm họa khổ sở vì sự hiện diện của con tàu, nhưng nó giúp cho thấy những hiểm họa của sóng thần".
Quyết định mới đảo ngược các kế hoạch trước đó về việc lưu giữ con tàu như một vật nhắc nhở thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 vốn đã giết chết hơn 18.000 người và gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân vô cùng tồi tệ tại Fukushima.

Con tàu nằm giữa khu dân cư.
Tàu Kyotoku-maru số 18 đã bị trận sóng thần ngày 11/3/2011 đánh sâu 500m vào trong đất liền và trụ được qua một vụ cháy quét qua cả thành phố nhỏ bên bờ biển phía đông bắc Nhật Bản này sau đó.
Kể từ đó, con tàu xanh đỏ đã bị hư hại vẫn nằm giữa khu dân cư, nhắc nhở và thu hút mọi người tới tham quan, cầu nguyện và đặt hoa tưởng niệm sự kiện kinh hoàng năm xưa.
Thanh Hảo
(VNN/Tổng hợp)