Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nga Alexei Pushkov cho rằng việc Mỹ và phương Tây đánh Syria "chỉ là vấn đề thời gian". Vậy Nga sẽ làm gì nếu Syria bị tấn công?
Nga liên tục phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
Hai chủ đề mà người Nga yêu thích là lịch sử và địa lý. Những ngày gần đây, Nga càng nói nhiều hơn về hai chủ đề này.
Giới chức và truyền thông Nga liên tục nhắc lại những cụm từ "Nam Tư 1999", "Iraq 2003" và "Libya 2011" như những ví dụ về sự can thiệp quân sự của phương Tây, làm thay đổi chế độ ở những nước này. Nga nghi ngờ rằng phương Tây đang âm mưu thêm "Syria 2013" vào danh sách.
Một trong những hàng tít lớn trên tờ báo chính phủ Nga Rossiskaya Gazeta trong tuần này là "Tổng thống Obama có liều lĩnh lặp lại kịch bản Libya - Iraq ở Syria?"
Mátxcơva hiện được cho là tin rằng Mỹ sẽ tấn công Syria. Theo người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nga Alexei Pushkov, "đó chỉ là vấn đề thời gian".
Nhưng người Nga không ngừng tranh luận việc can thiệp quân sự sẽ là sai lầm.
Đầu tiên, Mátxcơva khẳng định rằng chưa có bằng chứng về việc Tổng thống Bashar al-Assad đứng đằng sau cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở phía đông Damascus hôm 21.8.
Nếu có bất kỳ điều gì, Nga cho rằng không loại trừ khả năng phe nổi dậy tiến hành vụ tấn công nhằm đánh úp các cuộc đàm phán hòa bình và gia tăng sức ép lên chính phủ Syria.
Nga nói thanh sát viên của LHQ ở Syria cần phải có đủ thời gian để hoàn thành công việc của mình, viết báo cáo và trình lên HĐBA LHQ.
Tiếp theo, Nga tiếp tục cảnh báo rằng can thiệp quân sự sẽ đem lại hậu quả thảm khốc cho cả khu vực, bao gồm cả sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Phó Thủ tướng Nga viết trên tài khoản Twitter của mình: "Phương Tây đang chơi với thế giới Hồi giáo như một con khỉ với quả lựu đạn".
Cuối cùng, Nga tin rằng bất kỳ hành động quân sự nào mà không có sự thông qua của HĐBA LHQ sẽ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Vậy, nếu Syria bị tấn công quân sự, Nga sẽ làm gì để phản ứng?
Tờ Komsomolskaya Pravda ngày 28.8 cảnh báo rằng sự can thiệp của phương Tây có thể châm ngòi cho tình trạng bế tắc Đông/Tây, giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
"Nếu những người lạc quan ở Lầu Năm Góc tin rằng Nga sẽ tự hạn chế mình bằng những lời cảnh báo và thái độ giận giữ, như đã làm trong cuộc chiến Iraq và Nam Tư, có lẽ họ đã lầm" - tờ báo viết.
"Thời gian đã thay đổi. Có rất nhiều mối đe dọa và Mátxcơva sẽ không rút lui. Ai sẽ là người thua trước: Obama hay Putin"
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những ngôn từ trên có thể là hơi phóng đại. Mặc dù Mátxcơva là đồng minh của Tổng thống Assad, nhưng Nga nhiều khả năng sẽ không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rõ rằng Nga "không có kế hoạch lâm chiến với bất kỳ ai".
Nhưng có những cách khác mà Nga có thể bày tỏ phản đối sự can thiệp của phương Tây cũng như thái độ giận dữ của mình với Mỹ.
Một số nhà bình luận dự đoán rằng Nga có thể sẽ tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Damascus, thắt chặt quan hệ với Iran và giảm hợp tác với Washington trên nhiều lĩnh vực khác.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng nhiều chông gai. Không nghi ngờ rằng một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây ở Syria sẽ làm cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng thêm phần sóng gió hơn.
Laodong