Ngày 17/8, một quan chức cấp cao Trung Quốc tiết lộ rằng quốc gia này sẽ ngừng thu thập nội tạng của từ tủ để cấp ghép cho các bệnh nhân kể từ tháng 11/2013.
Bị cáo buộc buôn bán nội tạng tử tù
Trước đó, đã có nhiều báo cáo cho biết nội tạng của người bị tử hình ở TQ bị lấy đem đi bán trên thị trường thế giới vào giữa những năm 1980, khi một luật ra đời năm 1984 cho phép thu hoạch nội tạng từ các tử tù nếu được người thân của tử tù đồng ý, hoặc khi xác của tử tù không có người nhận.
Thống kê chính thức của Ủy ban Y tế và Kế hoạch của nước này cho thấy mỗi năm, trung bình khoảng 300.000 bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép nội tạng, nhưng chỉ 10.000 trong số này được đáp ứng, chính vì thế nhu cầu cấy ghép nội tạng của người Trung Quốc luôn ở mức cao và để có nội tạng để ghép, không cách nào khác họ phải tìm ở “chợ đen”.
Cựu Thứ trưởng Y tế TQ Huang Jeifu năm 2005 thừa nhận hơn 95% nội tạng cấy ghép ở nước này là lấy từ các tử tù. Ông còn nói thêm, bản thân ông thực hiện khoảng 100 ca ghép thận mỗi năm.
Trung Quốc từ lâu đã lấy nội tạng tử tù để cấy ghép.
Năm 2006, một cuộc điều tra ngầm của BBC phát hiện ra rằng việc bán các cơ quan nội tạng của những tù nhân bị bị hành quyết tại Trung Quốc vẫn đang rất phổ biến. Nội tạng của các tù nhân chịu án tử hình được bán cho các bệnh nhân người nước ngoài cần cấy ghép.
Một bệnh viện nói, họ có thể cung cấp một lá gan với giá hơn 94.000 USD và bác sĩ giải phẫu chính khẳng định rằng người hiến là một tù nhân bị tử hình. Điều đáng nói là Bộ Y tế Trung Quốc không phủ nhận chuyện này.
Cách thi hành án tử hình phục vụ cho việc lấy tạng?
Giáo sư Y khoa trường Đại học Sydney, bà Maria Fiatarone Singh cáo buộc Trung Quốc sử dụng biện pháp tử hình bằng tiêm thuốc độc là để đảm bảo cho nội tạng của tử tù được nguyên vẹn.
Trang Radio Australia dẫn lời bà Singh: “Người đó bị làm cho mê đi, họ không chết ngay, nhờ thế người giải phẫu có đủ thời gian để lấy đi bao nhiêu nội tạng tùy thích, và lại tiến hành tiêm thuốc độc để kết thúc.”
“Điều này rất khác với việc làm cho ai đó chết nhanh nhất và nhân tính nhất một cách có thể. Cách làm này thật đáng ghê tởm vì cùng là một đội bác sỹ thực hiện xử tử và làm động tác phẫu thuật,” bà Singh nói.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế – người đứng sau chương trình lấy nội tạng tử tù và là bác sỹ ghép nội tạng hàng đầu Trung Quốc Hoàng Khiết Phu.
Tranh luận vì chính sách lấy nội tạng tử tù đi ghép
Ban đầu, chính phủ Trung Quốc không công nhận việc lấy nội tạng tử tù mang để cấy ghép cho những người khác. Chính vì thế đã có nhiều cuộc chia rẽ xung quanh vấn đề này.
Nhật báo Pháp luật của Trung Quốc tháng 7/2010 đưa tin, một tử tù ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã tình nguyện hiến một phần nội tạng nếu được tha mạng. Theo đó, một người có tên Jiang Benhua, 22 tuổi, đã nộp đơn hiến tạng hồi cuối tháng 6, nửa năm sau khi tòa án nhân dân trung thẩm Tây An kết án tử hình Jiang vì tội cướp giật và hãm hiếp.
Vào thời điểm năm 2010, Trung Quốc chỉ cho phép người thân trong gia đình hiến tạng cho nhau nên việc Jiang Benhua có nguyện vọng hiến tạng đã thổi bùng cuộc tranh cãi đã có từ lâu về sự chính đáng của việc lấy nội tạng của những tù nhân bị tử hình để cấy ghép cho người sống.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc đã công khai hành động lấy nội tạng tử tù để cấy ghép và đã bị quốc tế phản đối mạnh mẽ vì bị cáo buộc chỉ nhằm tới lợi nhuận và phi đạo đức.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế – người đứng sau chương trình lấy nội tạng tử tù và là bác sỹ ghép nội tạng hàng đầu Trung Quốc Hoàng Khiết Phu đã phải chịu chỉ trích từ các nhóm học giả, bác sỹ và luật sư.
Giới phê bình cho rằng những phạm nhân nhận án tử hình cảm thấy áp lực khi phải trở thành người hiến tạng bởi nó vi phạm quyền cá nhân, phong tục tập quán và tín ngưỡng.
(T.H)