Dự báo số lượng xe buýt sẽ tăng lên 6.000 chiếc vào năm 2015, cùng với tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2018 thì nguồn kinh phí trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng từ ngân sách TP HCM sẽ tăng vọt gấp 10 lần hiện nay.
Tuyến xe buýt số 6 do HTX Vận tải Xe buýt Quyết Thắng trúng thầu khai thác. (Ảnh DQ)
Theo khuyến nghị của các chuyên gia và DN vận tải tại Hội thảo chuyên đề “Vấn đề trợ giá xe buýt - Tồn tại và các giải pháp định hướng” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức ngày 31-7, TP.HCM cần đẩy mạnh giải pháp đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt, nếu không tương lai ngân sách trợ giá cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP sẽ tăng cao gấp nhiều lần so với hiện nay.
Theo Sở GTVT TP.HCM, đến nay tổng số đầu xe buýt đang hoạt động của TP khoảng gần 3.000 xe, mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được khoảng 6-7%. Trong khi đó, tổng số tiền trợ giá xe buýt từ ngân sách TP hàng năm là khá lớn và đang có xu hướng tăng cao trong vòng 5 năm trở lại đây. Nếu như tổng kinh phí trợ giá xe buýt trong năm 2005 chỉ đạt bình quân 500- 600 tỷ đồng/năm, thì đến nay con số này đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Dự báo số lượng xe buýt sẽ tăng lên 6.000 chiếc vào năm 2015, cùng với tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2018 thì nguồn kinh phí trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng từ ngân sách TP sẽ tăng vọt gấp 10 lần hiện nay.
Cũng theo Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua TP đã tập trung thực hiện công tác đấu thầu khai thác tuyến xe buýt, nhằm phần nào làm thay đổi tư duy trong kinh doanh của các DN vận tải, nâng cao năng lực tài chính để phù hợp với tình hình thực tế theo quy luật cạnh tranh thị trường.
Tuy nhiên, qua tổ chức đấu thầu khai thác tuyến xe buýt trên 11 tuyến xe có trợ giá, trong đó chỉ có 6 tuyến có đơn vị trúng thầu, 4 tuyến đã mở thầu lần 2 nhưng không có DN nào trúng thầu. Theo kế hoạch, trong năm 2013 TP sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện công tác đấu thầu 20 tuyến xe buýt có trợ giá và hiện Sở GTVT đang hoàn tất các thủ tục liên quan để chuẩn bị công bố kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà thầu khai thác tuyến.
Đánh giá của Trung tâm Quản lý hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.HCM về công tác đấu thầu trên cho thấy hầu hết các tuyến xe buýt thực hiện đấu thầu đều đang hoạt động và thường chỉ có một nhà thầu tham dự là đơn vị đang đảm nhận khai thác trên tuyến, do đó nhà thầu bỏ thầu cao hơn giá được phê duyệt làm cho công tác đấu thầu không thành công và buộc phải làm lại các thủ tục đấu thầu hoặc hủy đấu thầu.
Ông Lê Trung Tính- Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho rằng TP cần chuyển từ cơ chế “trợ giá trực tiếp” sang cơ chế “trợ giá gián tiếp” và tăng quyền tự chủ cho các DN trúng thầu khai thác tuyến xe buýt trong việc cho phép khai thác quảng cáo ngoài và trong thành xe buýt, đấu thầu khai thác quảng cáo tại các điểm dừng để tăng nguồn thu.
Duy Quang