(NLĐO) - Trong bối cảnh quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và phương Tây vẫn căng thẳng về vấn đề hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể trông cậy vào sự giúp sức của người phương Tây duy nhất đang làm việc cho họ.
Cho tới giờ, ông Alejandro Cao de Benos vẫn tự hào mình là người nước ngoài giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ Triều Tiên, tích cực quảng bá những lợi ích của nước này khắp châu Âu.
Benos, một người đàn ông 38 tuổi đến từ vùng Catalonia của Tây Ban Nha, cho biết ông là thành viên danh dự của Ủy ban Quan hệ văn hóa với nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong 11 năm qua. Benos nói thêm rằng đã vài lần gặp nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il nhưng chi mới gặp nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un có một lần.
Ông Alejandro Cao de Benos. Ảnh: Los Angeles Times
Những hành động leo thang căng thẳng gần đây của Triều Tiên giúp tên tuổi Benos được biết đến nhiều hơn. Ông có tài khoản trên mạng xã hội Twitter, Facebook và điều hành một trang blog viết về chủ nghĩa xã hội. Ở Bình Nhưỡng, ông còn được biết tới với cái tên Cho Sun-il.
Mối liên hệ giữa ông Benos và Triều Tiên bắt đầu từ năm 2000, khi ông xây dựng website đầu tiên cho quốc gia này. Khi đó, ông đang là một nhà tư vấn công nghệ làm việc tại thành phố Palo Alto – Mỹ. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ của Benos dành cho Bình Nhưỡng đã có từ lâu sau khi ông gia nhập Đảng Cộng sản Tây Ban Nha năm 15 tuổi.
Ủng hộ sự lựa chọn này của con, mẹ của Benos đã dẫn cậu đến gặp một nhóm nhà ngoại giao Triều Tiên tại một sự kiện ở Madrid. Trở về nhà sau đó, chàng trai trẻ này thề sẽ chiến đấu vì cuộc cách mạng của Triều Tiên. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, ông đã sáng lập Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên - hiện có khoảng 12.000 thành viên - và thường xuyên tổ chức các chuyến đi đến Bình Nhưỡng.
Benos dành 6 tháng làm việc tại Bình Nhưỡng, phụ trách việc đón tiếp các nhà ngoại giao, doanh nhân và phóng viên nước ngoài được phép vào Triều Tiên. Khoản thời gian còn lại ông thăm nhà ở Tây Ban Nha và tổ chức các cuộc hội thảo về tư tưởng của Triều Tiên tại các trường đại học phương Tây. Ông cũng nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến Bình Nhưỡng làm ăn dù đây không phải là một công việc dễ dàng do các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Benos thừa nhận: “Tôi từng đưa một đoàn doanh nhân Canada đến Triều Tiên và họ sẵn sàng đầu tư khoảng 2-3 triệu euro. Tuy nhiên, họ không thể chuyển được số tiền lớn như thế bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Chúng tôi thậm chí không thể dùng thẻ tín dụng bởi người Mỹ kiểm soát mọi thứ”.
P.Võ (Theo Los Angeles Times)
Nguoilaodong