Đài CCTV Trung Quốc đưa tin, Giao Long –tàu lặn của nước này đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và hút các trầm tích sắt – mangan lớn tại Biển Đông. 
Sau một ngày bảo trì, tàu Giao Long đã khởi hành sáng 5/7. Trong hoạt động lần này, tàu Giao Long có thể đạt tới độ sâu 3700 m. Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố, sử dụng tàu Giao Long để nghiên cứu và thu thập các mẫu về khoáng chất, sinh vật.
Theo phía Trung Quốc thông báo, Giao Long bắt đầu hành trình dài 113 ngày vào hồi đầu tháng Sáu. Trong nhiệm vụ này, tàu sẽ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, đông bắc Thái Bình Dương và Tây Thái Bình Dương.
Mạng Nhật báo Trung Hoa cho biết thêm, nhiệm vụ đầu tiên kéo dài khoảng 43 ngày, là trong khu vực Biển Đông. Tại đây, tàu Giao Long sẽ kiểm tra lại sự hoạt động. Các nhà khoa học thì thu thập thông tin về sự hình thành và phát triển của các vùng biển, ghi lại sự ảnh hưởng của nó đối với biến đổi khí hậu Trung Quốc. Hiện chưa rõ phạm vi hoạt động của Giao Long.
Sau đó, con tàu sẽ đi đến hai khu vực khoáng sản ở Thái Bình Dương để khảo sát địa chấn, thu thập các mẫu sinh học, khoáng sản và chuẩn bị cho các dự án khai thác khoáng sản biển trong tương lai.
Tân Hoa Xã đưa tin, nhiệm vụ này đánh dấu sự khởi đầu trong giai đoạn thử nghiệm 5 năm của tàu Giao Long trước khi nó chính thức hoạt động thường kỳ.
Từ năm 2001, Trung Quốc đã ký vài hợp đồng với Cơ quan thăm dò và khai thác khoáng sản đáy biển quốc tế ở tây Thái Bình Dương và Tây Nam Ấn Độ.
TM