Việc Việt Nam chưa có quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đã ngăn cản ông Đoàn Nguyên Đức thực hiện thành công việc mua cổ phần của Arsenal vào đầu năm 2008.
Chơi ngông nhưng đúng thời cơ
Ý định của bầu Đức về việc mua 20% cổ phần của Arsenal đã tạo nên một cơn địa chấn lớn trên thị trường chứng khoán, cũng như bóng đá tại Anh và Việt Nam đầu năm 2008.
Sau khi ký thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng Arsenal vào tháng 3/2007, xây dựng Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, ký hợp đồng quảng cáo trên sân Emirates, bầu Đức muốn tiến xa hơn bằng việc mong muốn có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến đội bóng nước Anh.
|
Thông tin bầu Đức muốn mua cổ phần của Arsenal được tờ TimesOnline đăng tải
|
Cách tốt nhất để thực hiện điều này là sở hữu một lượng cổ phần của Arsenal. Vào tháng 11/2007, trong chuyến công du sang Anh, bầu Đức đã gặp chủ tịch của Arsenal thời điểm đó là Peter Hillwood để bày tỏ ý định mua 20% cổ phần đội bóng. Lời đề nghị khiến BLĐ đội bóng hết sức ngỡ ngàng nhưng phía CLB nước Anh rất nghiêm túc với việc này khi biết được tiềm lực của bầu Đức.
Bầu Đức đã chọn rất đúng thời điểm để đưa ra lời đề nghị mua Arsenal khi thượng tầng của đội bóng nước Anh có nhiều biến động về việc ngăn chặn không cho một cá nhân sở hữu đội bóng như Malcom Glazer đã làm với Man United.
Nhân vật mà BLĐ Arsenal đề phòng chính là tỷ phú người Nga gốc Uzbekistan Alisher Usmanov. Vào cuối năm 2007, Usmanov đã tuyên bố muốn nâng cổ phần của mình tại Arsenal lên 25%, trở thành cổ đông lớn nhất của đội bóng. Nếu điều này thành hiện thực, Usmavov sẽ có cơ hội thôn tính Arsenal.
Điều các CĐV cũng như BLĐ Arsenal không thích ở Usmanov là ông có biểu hiện của một fan Man United khi trong phòng làm việc treo đầy hình đội bóng này. Tình thế cấp bách đến nỗi BLĐ Arsenal phải tạo ra một giải pháp ngăn chặn bằng việc lập ra một Hội đồng gọi là Takeover Panel (Hội đồng kiểm soát tiếp quản).
|
Phần lớn BLĐ Arsenal thời điểm đó đều cố gắng ngăn cản Usmanov thâu tóm cổ phần
|
Biện pháp của BLĐ Arsenal kéo dài trong khoảng 6 tháng và kết thúc đúng thời điểm bầu Đức muốn mua cổ phần của đội bóng. Chủ tịch Peter Hillwood rất sẵn sàng giới thiệu cho bầu Đức những nhà tài phiệt có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu Arsenal. Họ hoan nghênh bất cứ ai quan tâm đến việc mua cổ phần của đội bóng, kể cả Stan Kroenke - người sở hữu khoảng 12,19% cổ phần của Arsenal, miễn rằng người đó không phải Usmanov.
Ý định của Usmanov về sau cũng không thành khi ông chỉ mua được 14,6% cổ phần Arsenal từ cựu phó chủ tịch Arsenal David Dein và trở thành cổ động lớn thứ 2 của đội bóng với 24% cổ phần. Bởi lúc đó, cổ đông lớn nhất của Arsenal là tỷ phú kim cương Danny Fiszman (sở hữu 24,11% cổ phần) và Nina - một cổ đông khác với 15,9% không ủng hộ việc thôn tính đội bóng.
Còn bầu Đức, ông cũng thất bại trong việc mua lại cổ phần Arsenal vì một lý do rất đáng tiếc.
Tiếc cho bầu Đức
Thời điểm muốn mua cổ phần Arsenal, tài sản trên thị trường chứng khoán của Tập đoàn HAGL là trên 1,6 tỷ USD. Bầu Đức với 55% cổ phần của HAGL dư sức để mua một số lượng lớn cổ phần của Arsenal. Thế nên, ngay sau khi đưa ra đề nghị với Arsenal, bầu Đức đã ủy thác cho một đối tác nghiên cứu về tình hình tài chính của Arsenal cũng như xin phép các cơ quan chức năng Việt Nam.
|
Vào tháng 4 năm nay Arsenal mới được Forbes định giá đến 1,326 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2008
|
Theo ông Nguyễn Tấn Anh - Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL hiện giờ, sau khoảng 1 tháng, bầu Đức đã có trong tay danh sách các cổ đông nhỏ có khối lượng cổ phiếu với trị giá 20 triệu USD. Thời điểm đó, mỗi cổ phiếu của Arsenal có giá 8,7 bảng (trước đó chỉ có giá 4,5 bảng và tăng gần gấp đôi khi có tin bầu Đức muốn mua cổ phần đội bóng).
Với 62.200 cổ phiếu được ban hành trên thị trường chứng khoán, giá trị của Arsenal lúc đó khoản 1 tỷ USD. Điều này có nghĩa nếu muốn sở hữu 20% cổ phần của Arsenal bầu Đức sẽ phải chi ra 200 triệu USD. Việc thương lượng với các đối tác nhanh chóng đi đến thống nhất. Bầu Đức đã sẵn sàng cho việc giao dịch. Nếu thành công bầu Đức sẽ sở hữu… 1% của Arsenal. Đó là bước đi đầu tiên trước khi ông thực hiện tiếp kế hoạch của mình.
Mọi chuyện diễn ra đúng theo ý đồ của bầu Đức cho đến khi Cục đầu tư nước ngoài Bộ tài chính có văn bản không cho HAGL tiến hành giao dịch vì luật Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào về việc gián tiếp đầu tư ra nước ngoài.
Đó là một thiếu sót để lại nhiều đáng tiếc cho bầu Đức. Bởi nếu việc đó thành công ông đã có cơ hội trở thành một trong những cổ đông lớn của đội bóng nổi tiếng thế giới với tài sản tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Nguyễn Đăng (Infonet)