Khi nghe tin bức điện tín cuối cùng của thế giới sắp được gửi đi trong tháng tới tại Ấn Độ, người ta có lẽ không ngạc nhiên bằng việc biết rằng tới nay vẫn có người sử dụng dịch vụ "cổ lỗ" như điện tín.
Thực tế mỗi ngày vẫn có hàng ngàn bức điện tín được gửi đi tại Ấn Độ -"thành trì" điện tín cuối cùng của nhân loại. Nhưng việc này sẽ chấm dứt vào ngày 13/7 tới đây, khi công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước BSNL khai tử dịch vụ điện tín.
Vẫn dùng điện tín trong thời công nghệ thông tin
Tại Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL), công ty viễn thông nhà nước của Ấn Độ, một bức điện từ từ xuất hiện tại một chiếc máy in kim, gửi cho một người lính Lục quân Ấn Độ đóng ở New Delhi. Nội dung của nó ghi vắn tắt: "Bà ốm nặng. Xin nghỉ phép 15 ngày".
Đây chỉ là một trong khoảng 5.000 thông điệp vẫn được gửi đi mỗi ngày bằng dịch vụ điện tín, một phương thức liên lạc từng được ưa chuộng vì khả năng chuyển tin nhanh và chuẩn xác. Nhưng những ngày cuối cùng của dịch vụ điện tín đang tới dần. Bức điện tín cuối đã được lên kế hoạch để được gửi đi vào ngày 13/7 tại Ấn Độ.

Nhân viên phòng điện tín chuyển tin cho người dùng dịch vụ ở Mumbai, Ấn Độ |
Việc này sẽ diễn ra 144 năm sau khi Samuel Morse gửi thành công bức điện tín đầu tiên từ Washington và 7 năm sau khi Western Union đóng cửa dịch vụ điện tín cuối cùng ở Mỹ.
Tại Ấn Độ, dịch vụ điện tín được giới thiệu tới đây lần đầu bởi William O'Shaughnessy, một viên bác sĩ người Anh và là nhà sáng chế. Ông đã sử dụng một bộ mã khác hẳn so với mã Morse để gửi bức điện tín đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1850.
Ban điều hành BSNL đã quyết định đóng cửa dịch vụ điện tín sau 2 năm bàn thảo, với nguyên nhân chủ yếu là nó không còn sinh lời nữa. "Chúng tôi đang gánh khoản lỗ tới 23 triệu USD mỗi năm bởi sự xuất hiện của tin nhắn ngắn SMS và điện thoại thông minh đã khiến dịch vụ này trở nên lỗi thời" - Shamim Akhtar, Tổng giám đốc dịch vụ điện tín của BSNL nói với tờ Christian Science Monitor.
Một dịch vụ liên lạc đang hấp hối
Từng là một công cụ quan trọng trong chính quyền thuộc địa Anh và trong hoạt động kiểm soát Ấn Độ, điện tín đã gắn với một số sự kiện lịch sử trong lịch sử Ấn Độ. Ví dụ như điện tín đã giúp người Anh trấn áp thành công một cuộc nổi dậy vào năm 1857. Điện tín còn là phương tiện để Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thông báo cho London biết về việc Pakistan kéo quân vào Kashmir.
Ở Ấn Độ, điện tín có tên "taar". Dịch vụ này đã trở thành một phần của đời sống Ấn Độ, là công cụ để người ta chuyển tải các thông điệp khẩn, vượt qua sự chậm chễ dễ hiểu của dịch vụ bưu chính.
Dịch vụ điện tín đóng vai trò tạo bước ngoặt diễn biến trong nhiều bộ phim Hollywood, ví dụ như thông báo về tin cái chết của thành viên gia đình.
Ở thời kỳ đỉnh điểm vào năm 1985, 60 triệu bức điện tín đã được gửi và nhận mỗi năm tại 45.000 văn phòng điện tín ở Ấn Độ. Ngày hôm nay, chỉ còn 75 phòng như thế tồn tại, dù vẫn còn các chi nhánh nhỏ nhằm tại 671 quận của Ấn Độ. Và tại một ngành công nghiệp từng tuyển dụng 12.500 lao động, ngày hôm nay chỉ còn có 998 người làm.
Đó là những thông số cho thấy ngành điện tín đang sống một cuộc sống hấp hối ở Ấn Độ.
Những người yêu "điên cuồng" điện tín
Trong số những người còn bám lại với ngành điện tín có R.D. Ram, người đã làm việc trong văn phòng điện tín Delhi suốt 38 năm qua. "Người ta giờ sẽ chuyển tôi sang một phòng khác, nơi tôi sẽ giống như một kẻ học việc vậy" - ông phàn nàn với tờ CS Monitor. Ram từng theo học công nghệ mã Morse để chuyển các bức điện tín. Ngày hôm nay ông là một nhân viên giám sát, chịu trách nhiệm gõ và gửi điện tín thông qua một phần mềm web.
Ông đã cố gắng bảo vệ một công nghệ lỗi thời như điện tín, nói rằng khả năng tiếp cận với công chúng của điện thoại thông minh đã bị thổi phồng và không lớn như người ta tưởng. Thực tế tỷ lệ phổ biến điện thoại di động ở Ấn Độ chỉ là 26%. Nhưng ngoài đời, con số này có nghĩa ngay cả ở các ngôi làng biệt lập nhất ở Ấn Độ cũng có vài người sở hữu điện thoại di động.
Ram nói rằng điện tín còn có một số lợi ích pháp lý kèm theo nó. "Tòa án vẫn coi điện tín như một dạng chứng cứ đáng tin. Một thẩm phán sẽ hoàn toàn chấp nhận việc một quan chức chính quyền gửi một bức điện tín tới tòa, nói rằng ông không khỏe để hiện diện trước tòa" - ông nói.
Hiện có 65% các bức điện tín gửi đi mỗi ngày là từ chính quyền Ấn Độ. Nhưng 35% còn lại mới mà bộ phận Ram quan tâm. Ông nói rằng nhiều bức điện tín đã do các đôi trai gái bỏ trốn khỏi gia đình để kết hôn với nhau gửi đi. Những đôi này không thể kết hôn vì khác biệt đẳng cáp, tín ngưỡng. "Sau khi kết hôn, họ sẽ gửi điện báo cho cha mẹ biết. Và vì sợ bị trừng phạt vì làm ô nhục gia đình, họ tiếp tục gửi điện báo với cảnh sát và Ủy ban Nhân quyền Quốc gia" - ông nói.
Tường Linh (Theo CS Monitor)
Thể thao & Văn hóa