BÌNH DƯƠNG (NV) - Bất chấp trời mưa, hàng chục nhân viên đại diện bảy ngân hàng cử người đến bao vây trụ sở một công ty xuất cảng cà phê ở Dĩ An để xiết nợ chiều ngày 6 Tháng Sáu.
Ðông đảo người dân địa phương hiếu kỳ cũng bu theo đông nghịt để nhìn cảnh tượng có lẽ mới xảy ra lần đầu tiên tại Việt Nam.

Bảy ngân hàng thương mại cử đại diện đến vây, xiết nợ một công ty. (Hình: VNExpress)
Theo báo mạng VNExpress, số cán bộ ngân hàng nói trên đi trên nhiều chiếc xe hơi, dừng lại trước trụ sở công ty tư nhân Trường Ngân, tọa lạc tại phường Tân Ðông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Các cán bộ này cho biết là đại diện của các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam như Ngân hàng Quân đội (MD), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Phương Ðông (COB), Ngân hàng Nông nghiệp (AGIRBANK), Ngân hàng Hàng hải (MARITIME BANK), Ngân hàng Công thương (VIETINBANK) và Kỹ thương Ngân hàng (TECHCOMBANK).
Ðại diện các ngân hàng kể trên nói rằng, được lệnh đến giám sát và bảo vệ nhà kho của công ty Trường Ngân mà họ tin rằng hiện đang tồn trữ hàng ngàn tấn cà phê.
Theo dư luận, số cà phê đang tồn trữ trong kho của công ty Trường Ngân đã được dùng vào việc thế chấp để vay vốn của các ngân hàng kể trên. Trong tình huống trên, các ngân hàng chủ nợ cử đại diện đến giành quyền ưu tiên sai áp hàng thế chấp để trừ nợ. Tuy nhiên, cả bảy đại diện các ngân hàng đều tự khẳng định mình là “người đến trước,” tuy không được sự xác nhận của một tổ chức có thẩm quyền.
Một cuộc bao vây dẫn đến tranh cãi để giành quyền ưu tiên phát mãi giữa các đại diện ngân hàng gây cảnh hỗn loạn trước nhà kho chiều ngày nói trên. Cuối cùng, công an địa phương được mời đến để vãn hồi trật tự, niêm phong kho hàng của công ty Trường Ngân.
Cũng chiều ngày 6 Tháng Sáu, giám đốc công ty Trường Ngân xác nhận đang nợ bảy ngân hàng kể trên tổng cộng 600 tỉ đồng, tương đương 30 triệu đô gồm tiền vay và lãi. VNExpress dẫn lời của ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Trường Ngân nói rằng công ty ông lâm vào tình trạng lỗ lã triền miên vì không tìm được đơn đặt hàng xuất cảng.
Bán chậm, hàng tồn kho quá lớn trong khi lãi suất vay của ngân hàng quá cao nên công ty Trường Ngân mất khả năng thanh toán.
Cũng theo lời của ông Nguyễn Xuân Bình, công ty ông xuất cảng khoảng 70,000 tấn cà phê mỗi năm trong thời gian trước đây. Hiện nay, số lượng cà phê tồn kho của Trường Ngân lên tới 4,000 tấn, trị giá khoảng 40 triệu đồng, tương đương 2,000 đô một tấn. Như vậy, trị giá số cà phê tồn kho chỉ vào khoảng 8 triệu đô đã được thế chấp để vay 30 triệu đô của bảy ngân hàng kể trên.
Theo dư luận, đây là một vụ tranh chấp dân sự, không thể giải quyết dễ dàng “ngày một, ngày hai.” (PL)
NV