Quỹ Kinh tế mới thế giới NEF đã xếp Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về chỉ số hạnh phúc. Và nguyên nhân của sự hạnh phúc này có lẽ xuất phát từ việc người Việt biết chơi nhất nhì thế giới.

Tiền uống bia của người Việt tương đương với hai gói cứu trợ kinh tế
Nhiều thống kê liên quan đến người Việt khiến thế giới phải "ngả mũ thán phục" đặc biệt là trong cơn khát bia. Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012, người Việt Nam đã thỏa cơn khát lên đến 3 tỷ lít bia, quy ra tiền khoảng 3 tỷ USD. Lượng bia 1 người Việt trung bình uống 1 năm là 32 lít. Với khả năng uống bia trên, người Việt mình tự hào lọt vào top số một của khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật.
Năm 2010, theo thống kê của nhãn hiệu bia nổi tiếng Heineken, người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu Heineken, chỉ sau Mỹ, Pháp.
Với mức tiêu thụ đó, thành tích Việt Nam đạt được là, nước ta luôn nằm trong top 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, thứ 3 của châu Á, và nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Con số tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước 15%. Con số thống kê này chỉ tính ở các hãng bia lớn, có thương hiệu và doanh số bán hàng tháng, hàng năm. Nếu tính đầy đủ cả bia lậu, bia cỏ, bia rởm thì người Việt sẽ tự hào thống trị thế giới về chuyện uống bia.
Trong khi cả thế giới đang loay hoay tìm lối thoát trong khủng hoảng kinh tế thì người Việt vẫn 'phê phê tây tây' và chém gió trong các quán bia hơi, bia cỏ dọc đường. Đặc biệt vào mùa hè, không nơi đâu đông vui bằng những quán bia. Chính vì vậy, Việt Nam luôn là thị trường béo bở cho các hãng bia khác từ thế giới. Anheuser-Busch InBev (AB InBev) hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới đang lên kế hoạch tiến vào "miền khô hạn" Việt Nam vào cuối năm sau.
Thử làm phép so sánh, số tiền người Việt chi cho bia bọt một năm còn gấp đôi gói cứu trợ bất động sản 30.000 tỷ của chính phủ. Với gói cứu trợ này, cả nước mừng vui vì sắp có phao cứu sinh, coi như một ngọn lửa trong bóng tối của nợ xấu, phá sản...Số tiền uống bia của người Việt cũng ngang ngửa với số tiền dự kiến đầu tư cải cách giáo dục, thay đổi hệ thống sách giáo khoa.
Bàn về thành tích ăn chơi của người Việt, không chỉ giới hạn ở chuyện uống bia. Việt Nam luôn là một thị trường tiềm năng của nhiều nhãn hàng hiệu nổi tiếng thế giới. Louis Vuiton, D&G, Gucci, Roberto Cavalli, Jean Paul Gautier, Emporio, Armani, Umberto Bilancioni, Hermes, Rolls-Royce... đã và đang mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Những con số về chuyện phòng the cũng chứng tỏ đẳng cấp ăn chơi của người Việt. Nghiên cứu sức khỏe gia đình Việt Nam được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố năm 2012 cho thấy chúng ta có kỷ lục về số bạn tình là 200 người ở nam và ở nữ là 5 người. Với những thông kê trên, người Việt luôn đứng đầu bảng xếp hạng về khả năng quan hệ tình dục với nhiều người và chất lượng thì chưa cần bàn tới.
Một thông tin cũng đáng chú ý là Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đồng ý cho Việt Nam đăng cai VCK Asian Cup 2014.
Sau Đại hội thường niên của FIFA, AFC sẽ sang VN tiến hành công tác kiểm tra sân bãi và các thủ tục cần thiết trước khi kí hợp đồng với VFF. Trước đó, không ít ý kiến phản đối đề án nên hay không nên đăng cai Asiad 2019 vì họ cho rằng không thể chi cả tỷ đô để cho vui rồi lại bỏ hoang và tốn kinh phí bảo trì. Trong khi đó, khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì doanh thu cả tháng không đủ chi tiền điện, tiền vệ sinh. Hiện nay Mỹ Đình trở thành nơi hóng mát, vui chơi là chính thay vì thể thao, văn hóa.
Ngoài ra, ngày 17/1, đồng hồ nợ công toàn cầu báo số nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 70,576 tỷ USD; chỉ số trung bình mỗi người Nam đang gánh số nợ công 787,9 USD. Nợ công chiếm 49,5% GDP, tăng 13% so với năm 2011. Nợ công toàn cầu đang ở mức trên 49.767 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tính đến 31/12/2012, nợ công sẽ là 58,4% GDP (trong khi cuối năm 2011 là 54,6% GDP). Và dự báo năm 2015 mức nợ sẽ lên tới 65% GDP, trong đó nợ nước ngoài và Chính phủ dưới 50%. Dịch vụ nợ nước ngoài năm 2011 là 12,5% và 2012 là 13,5% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Với khoản nợ này, người Việt vẫn ung dung không nao núng bởi hết tiền thì lại đi vay và nợ không trả được thì đời con, đời cháu sẽ trả. Người đương thời chỉ quan trọng mình được hưởng thụ gì, được ăn uống ra sao.
Nguồn: Khánh Ngọc/ Phunutoday