Về cơ bản việc thực hiện các chức năng của gia đình như: xây dựng kinh tế, sinh sản và chăm sóc con cái…, là quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Tuy nhiên, cả trong Luật Hôn nhân – Gia đình (HN-GĐ) hiện hành cũng như Dự thảo sửa đổi mới nhất của luật, việc thực hiện các chức năng gia đình giữa vợ và chồng có nhiều vấn đề vẫn chưa được thỏa đáng.
|
Hình minh họa. |
Những nhận định sai lầm được… luật ủng hộ?
Hơn chục năm thực thi Luật HN-GĐ, những quy định của luật về quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ và con, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được đánh giá là “những quy định mang tính đạo đức, đạo lý hơn là tính pháp lý, nặng về tuyên ngôn không có biện pháp, chế tài bảo đảm thực thi”, như nhận định của TS Nguyễn Công Khanh, Bộ Tư pháp tại hội thảo “Nhận diện những bất cập trong Luật HN-GĐ năm 2000 từ góc nhìn thực tế” vào tháng 7/2012.
Tại cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ tư ngày 16/5/2103, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Ban chính sách luật pháp T.Ư Hội LHPNVN cũng bày tỏ lo lắng khi nội dung sửa đổi, bổ sung của luật không cân bằng giữa hôn nhân và gia đình.
Dự thảo luật vẫn giữ nguyên về mặt hình thức từ ngữ của những quy định về tình nghĩa vợ chồng; bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ chồng; tôn trọng danh dự nhân phẩm, tự do tín ngưỡng; giúp đỡ tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt…
Theo quan điểm của Hội LHPNVN, pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành không đề cập tới vấn đề thực hiện các chức năng gia đình, mà chỉ có các quy định về nhân thân và tài sản của vợ chồng thể hiện dưới dạng quyền và trách nhiệm.
Trong khi đó, trong các gia đình Việt Nam trước đây và hiện nay, người phụ nữ thường được trao trách nhiệm không thành văn liên quan đến 4/5 chức năng gia đình là sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục và tâm lý tình cảm.
Nam giới chỉ có trách nhiệm chính và gần như duy nhất với chức năng kinh tế, ngay cả khi họ không phải là người duy nhất tạo ra thu nhập kinh tế cho gia đình. Trên cơ sở trách nhiệm này, đã có không ít những đánh giá thiên lệch về khả năng thực tế của phụ nữ và nam giới trong gia đình và đương nhiên quy ra khả năng thực hiện các vai trò khác trong xã hội và cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, khi một thành viên nào đó trong gia đình có hành vi vi phạm pháp luật thì việc quy “tội” cũng theo hướng dồn vào người đã được trao trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục như “con hư tại mẹ”, “cháu hư tại bà”. Trong khi đó, nam giới thường ít bị xã hội lên án hơn phụ nữ.
Mặt khác, quy định trong pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành, lao động gia đình của phụ nữ cũng đã được coi như lao động có thu nhập. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng khi ly hôn, chứ chưa được thể hiện rõ ràng trong các chế định khác, nhất là khi hôn nhân còn đang tồn tại.
Điều này làm cho sự nhìn nhận về vai trò làm ra kinh tế của phụ nữ trong các gia đình bị mờ nhạt, mặc dù họ có đóng góp rất lớn và khá quan trọng trọng việc làm ra kinh tế gia đình. Đồng thời cũng là nguyên cớ dẫn đến sự tự ti của phụ nữ, củng cố thêm sự khắt khe của cộng đồng về vai trò của vợ - chồng trong gia đình là "nam hướng ngoại", "nữ hướng nội".
Sinh con, tránh thai phải là quyền và nghĩa vụ?
Hiện nay, có rất nhiều người vợ dù không muốn vẫn bị chồng, gia đình nhà chồng cưỡng ép phải sinh nhiều con hoặc sinh cho bằng được con trai. Điều này không những gây nguy hại đến chính sách dân số, mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng – chế định lõi của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan - ĐH Luật HN, nghĩa vụ sinh đẻ có kế hoạch là nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng trong việc thực hiện chính sách dân số của Nhà nước. Tuy nhiên, Luật HN-GĐ năm 2000 không có quy định về nghĩa vụ này, mà chỉ coi đây như một nguyên tắc cơ bản của chế độ HN-GĐ (Khoản 3 Điều 2).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan, nếu việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là quyền và nghĩa vụ thì vợ chồng không được ép buộc nhau sinh con. Thay vào đó, mỗi cá nhân vợ chồng đều có quyền cùng bàn bạc và thỏa thuận.
Quan điểm của Hội LHPNVN cũng cho thấy, với việc mang thai, sinh từ 1-2 con, lại là người chủ yếu chăm sóc con, làm các công việc trong gia đình nên sức khoẻ của phụ nữ đã yếu lại càng bị suy giảm hơn khi tiếp tục là người gánh vác chính trách nhiệm kế hoạch hoá gia đình. Dẫn đến tình trạng phụ nữ suy dinh dưỡng trường diễn, phụ nữ mang thai thiếu máu, thiếu sắt chiếm tỉ lệ rất cao.
Thực tế này đòi hỏi các quy định của pháp luật phải chặt chẽ, cụ thể để nam giới cùng chia sẻ với phụ nữ những công việc trong gia đình và trách nhiệm kế hoạch hoá gia đình mới có thể cải thiện tốt tình trạng sức khoẻ cho phụ nữ và thế hệ tương lai.
Do đó, trong quá trình sửa đổi, Luật Hôn nhân và Gia đình cần nghiên cứu để cụ thể hóa nguyên tắc “vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp”. Đây cũng chính là một trong những điều khoản của Luật Bình đẳng giới.
Hồng Minh