Sở dĩ có đến 93% gia đình Mỹ nghèo đi sau 2 năm phục hồi kinh tế là vì đại bộ phận dân chúng nước này đổ tiền vào bất động sản thay vì đầu tư vào lĩnh vực tài chính.
Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đã dần phục hồi sau cuộc Đại suy thoái cũng chỉ một bộ phận rất nhỏ các gia đình (những hộ có tài sản, mức thu nhập cao nhất cả nước) mới thực sự cảm nhận được sự thay đổi này.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây, được trung tâm nghiên cứu Pew công bố, thì trong khoảng thời gian 2009-2011, tài sản trung bình của 8 triệu gia đình trong nhóm giàu có nhất nước Mỹ (chiếm 7%) tăng 28% lên mức 3.173.895 USD từ 2.476.244 USD. Trong khi đó, tài sản trung bình của 111 triệu gia đình (93%) còn lại giảm 4% xuống còn 133.817 USD từ 139.896 USD.
Theo nghiên cứu, điều tạo nên sự khác biệt này chính là sự khác nhau trong những quyết định đầu tư của hai nhóm dân cư này.
Đại bộ phận người dân Mỹ có xu hướng đổ tiền vào bất động sản - lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt thời kỳ suy thoái. Nhưng trong 2 năm vừa qua, đây lại là khu vực kinh tế phục hồi chậm chạp nhất.
Trái lại, bộ phận 7% gia đình giàu nhất nước này lại tập trung đầu tư vào thị trường chứng khoán, lĩnh vực có mức hồi phục nhanh hơn nhiều.
Trong giai đoạn 2009-2011, chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng đến 34% trong khi chỉ số giá nhà ở S&P/Case-Shiller lại giảm 5% - tiếp đà lao dốc từ vụ sụp đổ thị trường nhà đất vào năm 2006. Mặc dù giá bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong năm vừa qua nhưng vẫn còn thấp hơn 26% so với mức đỉnh điểm năm 2006.
Theo số liệu nghiên cứu, 65% tài sản của những hộ gia đình sở hữu khối tài sản 500.000 USD trở lên tại Mỹ đến từ lĩnh vực tài chính như cổ phiếu, trái phiếu... và 17% đến từ bất động sản.
Trong khi đó với các gia đình có tài sản ít hơn 500.000 USD, khu vực tài chính chỉ mang lại 33% tài sản cho họ, còn tỷ lệ 50% là đến từ thị trường nhà đất.
HungNinh (Theo Bi, Pewsocialtrend)