- Triều Tiên có nhiều tàu ngầm, máy bay chiến đấu hơn nhưng Hàn Quốc lại sở hữu những vũ khí tinh vi, hiện đại và công nghệ phòng thủ tốt.
Triều Tiên khẳng định sẽ không tuân thủ hiệp ước đình chiến để chấm dứt Chiến tranh năm 1953. Nhà cầm quyền nước này thậm chí đã cắt đứt đường dây nóng với Hàn Quốc - kênh ngoại giao duy nhất liên lạc giữa hai miền. Bình Nhưỡng còn tuyên bố các khu vực cấm bay, cấm tàu thuyền đi lại để phục vụ các cuộc diễn tập, trong đó có bắn tên lửa từ tầm gần tới tầm trung.
Ảnh minh họa: beforeitsnews
Các lực lượng chiến đấu Mỹ-Hàn tiếp tục kéo dài tập trận tới cuối tháng này. 200.000 lính Hàn và 10.000 quân nhân Mỹ tham gia diễn tập trên không, biển, đất liền và hoạt động đặc nhiệm. Tờ báo chính thống của Triều Tiên, Rodong Sinmun, tuyên bố, mọi lực lượng Triều Tiên từ bộ binh, hải quân, không quân, phòng không chỉ chờ "lệnh tấn công cuối cùng".
Sau những đe dọa của Bình Nhưỡng sẽ tấn công phủ đầu bằng hạt nhân để chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào, Seoul đã đáp trả bằng tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay: “Nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân, thì sau đó, ý chí của Hàn Quốc và cả nhân loại sẽ khiến chính quyền Kim Jong-un biến mất khỏi trái đất".
Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới nhận nhiệm sở chưa đầy một tháng. Bối cảnh hiện tại khiến bà không thể thực hiện được cam kết tranh cử là áp dụng đường lối mềm dẻo hơn với Bình Nhưỡng. Đa phần đe dọa của Triều Tiên không được hiện thực hóa, ví như lời khẳng định "đáp trả lập tức" hồi tháng trước với các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Tuyên bố gần đây của bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: "Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai là không tránh khỏi". Bộ này cho rằng, Bình Nhưỡng có quyền tấn công phủ đầu bằng hạt nhân và cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đã châm ngòi cho một cuộc chiến.
Thời gian này, Bình Nhưỡng đã ít nhiều nới lỏng cho phép truyền thông nước ngoài tới Triều Tiên và để người dân được bày tỏ quan điểm. Một số hãng truyền thông nước ngoài đã mô tả tâm lý của người dân Triều Tiên trước sự bấp bênh, lo lắng về chiến tranh hay sự xâm chiếm của cường quốc nước ngoài. Một người dân ở tỉnh Yanggang của Triều Tiên cho hay: “Nhà chức trách nói khi chúng tôi có vũ khí hạt nhân, chúng tôi có thể không phải lo sợ bất kỳ ai, nhưng tôi cho rằng, dù có vũ khí hạt nhân và tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu, thì chúng tôi có thể bị tấn công trước".
Một người dân khác bày tỏ: “Nếu chúng ta nhấn nút một vũ khí hạt nhân, thì người Mỹ có khoanh tay đứng nhìn? Trong trường hợp nào chăng nữa, nếu vũ khí hạt nhân khai hỏa, thì mọi người đều chết. Nên tôi cảm thấy không nên sử dụng chúng cho bất kỳ thứ gì".
Cho dù những người được hỏi đều giấu tên, nhưng người ta thống kê rằng, có một tỉ lệ không nhỏ dân số Triều Tiên bất an với tình trạng hiện tại. Có người ủng hộ thuyết Triều Tiên có vũ khí hạt nhân cho mục tiêu ngăn chặn, nhưng điều gì sẽ tới với 10,5 triệu dân thường ở Seoul nếu Bình Nhưỡng nỗ lực phổ biến kho hạt nhân của họ? Tương tự như vậy, 3,2 triệu sinh mạng tại Bình Nhưỡng sẽ bị tiêu diệt nếu Mỹ triển khai học thuyết phủ đầu hạt nhân.
Hiểm họa không chỉ giới hạn ở thủ đô của hai nước, xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ lập tức đe dọa tính mạng 70 triệu người sống ở đó. Bất chấp những tuyên bố hùng hồn của hai miền, thì chế độ cứng rắn thời ông Lee Myung-bak - người tiền nhiệm của bà Park - đã không trả đũa khi Triều Tiên nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong năm 2010. Điều đó chứng tỏ sự kiềm chế sau khi cân nhắc những lợi ích của sự ổn định dù là mỏng manh.
Triều Tiên có thể không giành chiến thắng nếu gây chiến với Hàn Quốc và Mỹ. Bình Nhưỡng có lợi thế về lực lượng, nhiều tàu ngầm và máy bay chiến đấu hơn nhưng Hàn Quốc lại sở hữu những vũ khí tinh vi, hiện đại và công nghệ phòng thủ tốt.
Theo các chuyên gia quân sự, Triều Tiên sẽ phải mất nhiều năm để phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân tấn công tới tận nước Mỹ. Nhưng dĩ nhiên, họ có thể gây tổn thất cho Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Sau tất cả, nếu một cuộc chiến nổ ra, chính người dân sẽ hứng chịu những mất mát, thương vong lớn nhất.
Thái An