Tereza Kušniráková là thạc sĩ đang theo học lên tiến sĩ ngành địa lí xã hội học, chuyên về di dân, trong đó có người Việt Nam. Cô đã về Việt Nam 8 tháng để hiểu về tâm lí của di dân.
Kuušniráková và bạn bè người Việt Nam. Ảnh: cuni.cz.
“Tôi nhận ra rằng từ Việt Nam với một số người Séc vẫn là gì đó bí ẩn,“ Tereza Kušniráková nhận xét. Đã nhiều năm nay, cô nghiên cứu về sự di cư từ Việt Nam sang Séc và cố gắng tìm cách để xóa bỏ những định kiến của người Séc về người Việt Nam.
Để hiểu rõ họ, Kušniráková đã một mình về Việt Nam 8 tháng. Tại đây, cô tìm đến những người đã từng ở Séc hoặc sắp sang Séc, còn tại Séc, cô lại tìm tới những người Việt Nam hiện đang sống tại đây.
“Nghiên cứu có mục đích tìm hiểu về việc cuộc sống của những người nhập cư và sắp nhập cư cùng các giá trị đạo đức thay đổi như thế theo sự trải nghiệm. Tôi hỏi họ cả việc họ cảm nhận về quê hương thế nào khi họ đã từng hoặc sắp rời đi,“ Kušniráková cho hay.
Lúc quyết định đến Việt Nam, cô gái này đã từng lo sợ rằng không được người Việt đón nhận. Ngay cả bản thân cô còn mang những định kiến mà người Séc thường có, nhưng cuối cùng, cô nhận ra rằng không có gì phải lo sợ.
“Người Việt Nam vô cùng thân thiện và hiếu khách. Chỉ cần làm quen với một người là sẽ quen với tất cả. Một gia đình chủ nhật nào cũng mời tôi đến ăn và cả dự cỗ. Họ làm quen tôi với những người bạn của họ,“ đó là cuộc sống tại Việt Nam qua lời kể của Kušniráková.
Một trong những kỉ niệm của cô ở Việt Nam là lễ mừng ngày lập quốc của Tiệp Khắc. Tại đây, Kušniráková ngồi cùng những người đã sống ở Tiệp Khắc vào những năm 70. Theo lời cô, đó là một buổi lễ rất lớn, trong khi ở Séc, ít ai ăn mừng nó như vậy. Tại đây, cô cũng học tiếng Việt. Khi nói tiếng Việt dù chỉ là một câu thôi, người Việt sẽ coi người nước ngoài như người nhà.
Người Việt tại séc. Ảnh: Tiscali.
Về Séc, Kušniráková nghiên cứu chủ yếu ở chợ Sapa, nơi tập trung nhiều người Việt Nam. Theo Kušniráková, 60 000 người Việt không đồng nhất, họ phân thành những nhóm khác nhau tùy theo thời gian mà họ sang Séc.
“Những người đến trước cách mạng hoặc trong những năm 90 thường rất hội nhập. Họ nghĩ ra hệ thống điều hành cả cộng đồng và cách để giao tiếp với xã hội. Còn những người đến sau năm 2000, họ không cần học tiếng do ở đây đã có đủ các dịch vụ mà họ có thể sử dụng không cần tiếng Séc,“ Kušniráková nhấn mạnh.
Kušniráková cũng cho rằng người ở đây lâu có tư tưởng độc lập hơn, họ cho con cái học cái gì chúng muốn, cũng như có bạn trai người Séc.
“Những người đến sau, họ cứng nhắc với nguyên tắc của mình và gây mâu thuẫn trong gia đình. Tôi sợ là quan hệ gia đình trong cuộc sống của người Việt tại Séc vì thế sẽ xấu đi,“ Tereza Kušniráková lưu ý.
Nghiêm Trang – vietinfo.eu