Triều Tiên đã tính toán kỹ lưỡng mọi phương án nhằm che đậy những tàn tích từ vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2, làm dấy lên mối quan ngại về việc Bình Nhưỡng đã chế tạo một loại bom mới với phần lõi sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu ở mức cao.

|
Lực lượng quân đội Triều Tiên tập trung tại quảng trường Kim Nhật Thành hôm 29/3 ủng hộ lời kêu gọi sẵn sàng chiến đấu của chủ tịch Kim Jong-un |
Dẫn lời giới chức và chuyên gia vũ khí của Mỹ, tờ Washington Post cho biết các kỹ xảo tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hôm 12/2 được Triều Tiên che đậy rất kỹ, dường như không một chất phóng xạ nào phát tán ra ngoài bầu khí quyển. Trước đó, chính phủ Mỹ cũng đã tiên đoán được việc Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng đang tiến rất gần tới việc chế tạo bom nguyên tử.
Đặc biệt, sau vài ngày diễn ra vụ thử hạt nhân hôm 12/2, các thiết bị cảm biến của Mỹ và Hàn Quốc tại 120 trạm kiểm soát đặt suốt dọc khu vực biên giới và xuôi theo chiều gió từ vị trí diễn ra vụ thử, đều không phát hiện được bất cứ dấu vết nào của các loại khí phóng xạ thông thường.
Theo tờ Washington Post, một chiếc máy bay quân sự của Nhật Bản đã phát hiện và ghi nhận sự xuất hiện của đồng vị phóng xạ xenon-133 trong khí quyển song bỏ lửng kết luận việc đồng vị này có nguồn gốc từ vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của Triều Tiên.
Việc giới chuyên gia "bó tay" trước công nghệ hạt nhân của Triều Tiên cho thấy quốc gia cô lập đã tính toán tỉ mỉ mọi phương án nhằm ngăn chặn việc phát tán các loại khí dễ phát hiện bằng cách tiến hành vụ thử nghiệm trong một căn hầm nằm sâu dưới lòng đất.
Trong 2 vụ thử nghiệm hạt nhân vào năm 2006 và 2009, Triều Tiên được cho là đã sử dụng nhiên liệu plutonium trích xuất từ kho vật liệu phân hạch vốn được phát triển từ cuối những năm 1990.
Do đó, việc thử nghiệm thành công một quả bom sử dụng nhiên liệu uranium cho thấy Bình Nhưỡng đã đạt được bước tiến thứ 2 trên con đường sản xuất vũ khí hạt nhân, nhờ trữ lượng uranium tự nhiên dồi dào và công nghệ làm giàu hạt nhân tiên tiến.
Ngoài ra, sự xuất hiện của loại vũ khí sử dụng uranium làm giàu ở mức cao làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về mối quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên và Iran bởi hiện nay, quốc gia Hồi giáo đang tập trung công nghệ và máy móc để làm giàu uranium.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang đặc biệt quan tâm tới thỏa thuận giữa Triều Tiên và Iran nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật được ký kết vào hồi tháng 9 năm ngoái tại Tehran trong buổi lễ với sự tham gia của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và Fereydoun Abbasi – người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran.
Minh Thu
Infonet