SÀI GÒN (NV) - Sài Gòn hôm nay đã hiếm gặp xích lô; tình trạng vắng bóng xích lô có vẻ … đột ngột. Có thể xích lô đã thưa vắng dần, bây giờ chúng tôi mới để ý chăng? Chúng tôi thân thuộc với xích lô, đơn giản vì chúng tôi có người thân và bạn bè từng chạy xích lô.
Sài Gòn hôm nay đã hiếm gặp xích lô. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)
|
Thắng, người em họ tôi, học hai năm bậc đại học thì xảy ra biến cố 30 Tháng Tư, chạy xích lô để mưu sinh. Thắng nói, chiếc xích lô của Sài Gòn có hình dáng xinh đẹp, Thắng chạy xích lô một phần cũng vì lý do ấy. Em tôi vốn yêu thích hội họa, từng đam mê vẽ tranh từ thuở đi học.
Họa sĩ Nguyễn Thân, cũng với con mắt tạo hình, hẳn ông chạy xích lô thời gian khá dài, một phần vì hình dáng đẹp của xích lô. Họa sĩ chạy xích lô chỉ cần đủ tiền mua sơn dầu, mua “toile”, mua cọ… vẽ tranh. Tới khi tranh Nguyễn Thân không vẽ kịp cho người đặt vẽ, ông mới nghỉ chạy xích lô, dành thời gian cho vẽ tranh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau 30 Tháng Tư, đang là sinh viên trường đại học sư phạm tại Sài Gòn. Ông chạy xích lô để có tiền sinh sống và tiếp tục việc học; vì lúc ấy gia đình Nguyễn Nhật Ánh ở Quảng Nam, sau biến cố lớn, đời sống quá khó khăn, không thể tiếp tục gửi tiền vào Sài Gòn cho ông.
Nguyễn Nhật Ánh kể lại: “Tôi chạy xích lô khoảng một năm, 1975-76. Hàng ngày, cứ 5 giờ chiều, tôi ra bùng binh Ngã Bảy - quận 10, nhận xe từ người chạy trước. Nhà chủ xe ở tận bên kia cầu chữ Y - quận 8. Tôi chạy xe từ 5 giờ chiều tới 9 giờ tối, lại trở về bùng binh Ngã Bảy, giao xe cho người chạy kế tiếp…” Chúng tôi hỏi nhà văn, trước lúc quyết định chạy xe xích lô, anh có tập dượt để chạy xe không? Nguyễn Nhật Ánh cho biết: “Có chứ! Tôi tập chạy xích-lô 4 - 5 ngày lận, với một người quen đang hành nghề này. Trước khi leo lên xích lô, tôi cho rằng chạy xích lô cũng giống như đi xe đạp; nhưng không phải. Xe đạp có thể ngừng đạp mà xe vẫn chạy, còn xích lô thì … cứ phải đạp luôn chân. Lúc đang chạy xích lô trên đường, thấy mỏi mệt, thay vì dừng xe để nghỉ, thì đạp thong thả chậm rãi cho đỡ mệt mà thôi. Người tập dượt hướng dẫn tôi chạy xích lô căn dặn một điều rất quan trọng: Khi rà xe tới hỏi người đứng bên đường có đi xe không, thì chớ khi nào mà cất tiếng hỏi ‘anh (hay) chị (hay) ông (hay) bà có đi xe không?’ Mà chỉ đi thiệt chậm, sát gần chỗ họ đứng, tay đập đập vào cái thắng phía sau yên xe. Như vậy là họ biết mình chào đón khách rồi; và mới tin tưởng mình rành nghề chạy xích lô, chớ không phải tay ngang, mới tập sự chạy xích lô. Không ai tin tưởng để giao phó sinh mạng cho một tay chạy xích lô lơ mơ đâu. Nguyễn Nhật Ánh còn cho biết, trước 30 Tháng Tư, anh đã có thơ đăng trên vài tờ báo, như nguyệt san Văn, tạp chí Phổ Thông… Nghĩa là, không đơn thuần một chàng sinh viên kiếm tiền để sinh sống và tiếp tục việc học; người chạy xích lô ấy còn là một nhà thơ. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh không mặc cảm về việc chạy xích lô; anh bảo: “Tôi thấy đơn giản: chạy xích lô hay làm công việc gì, cũng chỉ để kiếm sống. Có những bữa đã chạy được vài cuốc rồi, tôi chạy chiếc xích lô ấy thẳng tới nhà bạn gái, thăm nàng, đâu mắc cở gì!”
Đúng như Nguyễn Nhật Ánh nói, chạy xích lô cũng chỉ là một trong những công việc mưu sinh để tồn tại, ở một xã hội đã quá nhiều biển dâu, quá nhiều thay đổi trớ trêu, ngang trái. Nhưng đôi khi, phải làm một công việc bất đắc dĩ cũng thấy tủi lòng. Chúng tôi biết trường hợp nhà thơ Phạm Thiên Thư, ông đã quyết định chạy xích lô; sau đó gặp duyên, có người rủ ông hành nghề hớt tóc, hướng dẫn ông cầm dao, kéo, tông-đơ… Hành nghề hớt tóc an nhàn hơn, không cần nhiều sức lao động như chạy xích lô. Suốt thời gian hành nghề hớt tóc ở tiệm của người quen, Phạm Thiên Thư luôn chờ đợi ngóng trông khách hớt tóc biết trò chuyện về thi ca; nhà thơ hớt tóc, nhưng đọc và cảm thán những câu thơ cùng khách là chính. Nhớ tới chuyện này, chúng tôi cũng nhớ tới một nhà thơ nổi tiếng vùng đất Quảng; ai cũng biết và gọi anh là Phương-xích-lô, vì anh hành nghề chạy xích lô. Nhiều lần bị cảnh sát giao thông làm khó dễ, anh luôn “xuất khẩu thành thơ” cho họ nghe; thơ lý giải về việc mà họ cho là anh chạy xe vi phạm luật lệ giao thông. Và chúng tôi cũng nghe nói, Phương-xích-lô không lần nào bị cảnh sát giao thông phạt vạ hay giam giữ chiếc xích lô của anh, khi đã nghe những vần thơ xuất khẩu rất hợp tình hợp lý ấy. Nhà thơ Phương-xích-lô đã thành người thiên cổ từ nhiều năm rồi.
Hành trình mệt mỏi đơn độc
Tôi đi xe gắn máy thật chậm, phía sau một chiếc xích lô trên đường phố Sài Gòn, khởi từ lúc chúng tôi gặp một bác xích lô, ở đường Phạm Ngũ Lão - quận 1. Đã kinh nghiệm một lần, tôi đưa máy ảnh lên chụp, bị người chạy xích lô phản đối quyết liệt; lần này tôi lặng lẽ đi sau bác xích lô, giữ một khoảng cách để không bị lộ diện. Lúc ấy là buổi sáng muộn, đường phố đông đúc xe cộ; tuy vậy chiếc xích lô vẫn nổi bật trước mắt tôi. Vừa chạy xe phía sau bác xích lô, vừa cầm chiếc máy ảnh, chờ dịp thuận tiện ghi hình. Nghĩa là khá khó khăn để chụp ảnh, nếu bác xích lô chạy xe nhanh. Bác xích lô ở độ tuổi trên dưới sáu mươi, dáng còn tráng kiện; phục sức chỉnh tề: nón kết trắng, áo sơ mi trắng; ống quần bên phải có xăn lên một chút, để tránh khỏi bị quấn vào vòng xích xe.
Tôi mong sao bác xích lô gặp khách đón xe. Bác xích lô sẽ dừng xe đón khách, và tôi bấm máy ảnh. Suốt con đường Phạm Ngũ Lão, rồi đường Cao Thắng, đường Lý Thái Tổ…, không có ai gọi xích lô. Bác xích lô cứ chạy xe tà tà, không nhanh không chậm; tôi cũng không thể chụp ảnh trong tình trạng này. Không thể vừa một lái xe chạy theo bác xích lô, vừa một tay bấm máy ảnh; như thế hình sẽ lòa nhòa, và tôi lại có thể té xe trên đường.
Cơ hội đến: bác xích lô dừng xe, bước xuống, nghe điện thoại di động; sau đó còn mua một chai nước tiệt trùng. Xong xuôi, bác xích lô lên xe, tiếp tục chạy tà tà, cũng không nhanh không chậm. Tôi ghi được 3 tấm ảnh mà bác xích lô không hề biết. Định chạy vượt lên để về nhà, vừa lúc xe gắn máy hết xăng, phải dừng lại, trước vườn hoa nhỏ của siêu thị Hàn Quốc “Lotte Mart” ở góc đường 3 Tháng 2 - Lê Đại Hành. Bác xích lô dừng xe, tới ngồi trên bờ xi-măng của vườn hoa, ăn bánh mì và uống chai nước tiệt trùng. Tôi cũng dắt xe vào, ngồi nghỉ gần chỗ bác xích lô, rồi lân la hỏi chuyện.
“Bây giờ ít thấy xích lô ở Sài Gòn, bác nhỉ?”
Bác xích lô gật đầu, nói chậm rãi: “Ế ẩm lắm rồi, còn mấy ai đi xích lô. Xe Honda ôm, xe buýt thuận tiện, nhanh chóng hơn. Đi tắc-xi cũng chả mắc mỏ hơn đi xích lô là mấy. Một nghìn lẻ một lý do.”
“Thấy nhiều du khách phương Tây thích đi xe xích lô để ngắm cảnh Sài Gòn mà?”
Bác xích lô lại lắc đầu, nói ngay: “Tôi đi suốt khu vực phố Tây ba lô, chả gặp ông Tây bà đầm nào gọi. Cái vụ cả đoàn du khách phương Tây đi xích lô chả tới phiên mình. Vụ đó đã được đăng ký ở mấy công ty du lịch rồi, mà có nhiều nhặn gì đâu.”
Lý do bác xích lô tiếp tục hành trình mệt mỏi và đơn độc, có lẽ chính là tình cảm: “Cái xích lô này ấy mà, bỏ thì cũng thấy thương thấy tội. Thôi thì chạy được ngày nào cứ chạy.”
Nguyễn Đạt/Người Việt