GiadinhNet - Tuyến đê xung yếu chạy dài hơn chục kilômét qua 2 xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, đất canh tác cho nhân dân các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hàng nghìn người dân khu vực này đang nơm nớp lo sợ nguy cơ vỡ đê khi mùa lũ sắp về trên sông Mã. Dân vẫn phải sống trong nỗi lo, còn chính quyền bất lực vì thiếu kinh phí.

Với những đoạn bị cày nát như thế này thì tuyến đê khó an toàn khi mùa lũ đến.
Kinh hoàng đội quân băm nát đê
Mặt đê nham nhở, xuất hiện rất nhiều ổ trâu, ổ gà, nhiều đoạn bê tông vỡ đùn lên giữa đường những ụ đất to… đó là những gì chúng tôi chứng kiến khi đi dọc bờ đê đoạn chạy qua 2 xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương. Chị Lê Thị Loan, thôn 9, xã Thiệu Khánh, nhà ở bờ đê, đang lấy bạt che bụi vào nhà bức xúc cho biết: “Sau trận lụt lịch sử năm 2007, Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đê mới chúng tôi vô cùng phấn khởi, yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay các xe quá tải chở cát ngày đêm băm nát con đê này khiến nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng”.
Anh Nguyễn Gia Tuấn, xã Thiệu Khánh ngao ngán: “Xe chở cát quá tải chạy qua khiến nhà tôi rung chuyển. Đây là tuyến đê dân sinh, ngày trước xe trâu, xe tải nhỏ chạy qua có việc gì đâu. Từ khi có hoạt động khai thác cát dọc sông, xe tải lớn vào ra tấp nập, từ đó tuyến đê bắt đầu xuống cấp, bây giờ như các anh thấy đó, rất nguy hiểm và mất an toàn, nhất là khi mùa mưa lũ về. Nếu không có những biện pháp khắc phục kịp, khi lũ lớn tràn về nguy cơ vỡ đê là rất cao”.
Ông Hoàng Huy Chung- Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa cho biết: “Năm 2007, sau trận lụt lớn, tỉnh đã làm lại tuyến đê, năm 2008 hoàn thành. Do làm khẩn cấp nên lu lèn mặt đê không được chắc, chất lượng của bê tông thấp. Thực trạng hiện nay bê tông đã hỏng. Trước đó, xã đã thành lập tổ công tác, giao cho công an xã, địa chính kiểm tra xe quá tải, nhưng chúng tôi không có quyền hạn xử phạt, nên cũng hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nhất rất nhiều ý kiến của cử tri đã đề xuất gia cố con đê, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Tỉnh thiếu tiền, dân sống chung với “hà bá”
Đem những bức xúc, mong mỏi của hàng nghìn người dân sống trong thân đê trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa thì ông này phân trần: “Không phải chất lượng công trình kém vì sau 2 năm (2008-2009) khi làm xong đê vẫn bình thường. Trong 2 năm tiếp theo 2010 -2011, tại xã Thiệu Khánh xuất hiện 2 bãi cát, xe quá tải chạy nhiều nên mới xảy ra tình trạng xuống cấp như vậy. Sau khi nhận được báo cáo tại xã, qua kiểm tra thực tế chúng tôi đã làm tờ trình lên tỉnh”.
Cũng theo ông Hải thì ngày 8/6/2012 Chi cục đã có tờ trình xin chủ trương lập dự án đầu tư công trình tu bổ nâng cấp tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ Km 36 đến Km 39,4 xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương lên UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư cho tuyến đê này là 85 tỉ đồng.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hiện nay tỉnh Thanh Hóa chưa thể gom đủ tiền để nâng cấp, gia cố tuyến đê này. Vì vậy, người dân vẫn phải chung sống với các mối đe dọa từ con đê xuống cấp này khi mùa mưa bão đang đến gần. Vào mùa lũ, nước sông Mã dâng cao và có thể phá vỡ con đê yếu nát này và như vậy sẽ có tính mạng của hàng nghìn người dân bị đe dọa.
Để khắc phục tạm thời trong khi chờ nguồn kinh phí chưa có, theo ông Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa thì giải pháp trước mắt là khơi thông các vũng nước trên mặt đê nhằm bảo đảm việc đi lại, tăng cường việc kiểm tra, giám sát tại địa phương…
Ngọc Hưng – Nguyễn Thuý