Theo Đại Việt sử lược, thời Hùng Vương thứ ba, một ngư dân bắt được ở sông Lô một con cá lạ miệng giống miệng lợn, liền đem tiến vua...
Khi ăn, vua thấy loại cá này thịt có vị thơm ngon khác thường, ăn xong thấy người khoan khoái, đầu óc minh mẫn hẳn lên như vừa ăn một thứ thuốc bổ.
Nhà vua cho đây là một loài cá hiếm nên chỉ dụ dân chúng nếu bắt được cá này phải mang tiến vua. Đó chính là sử tích về loài cá tiến vua nổi tiếng có tên là anh vũ.
Loài cá này có tên khoa học là Semilabeo obscurus, phân bố tại các sông lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc như sông Đà, sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm.
Khu vực đánh bắt cá anh vũ có tiếng nhất là ngã ba sông Việt Trì, nơi hội tụ của sông Lô, sông Thao, sông Đà.
Điểm đặc trưng để nhận ra cá anh vũ là phần miệng loe ra như mũi lợn.
Đôi môi này có tác dụng bám vào đá, chống dòng nước chảy và cũng là một công cụ để mút rêu – thức ăn khoái khẩu của cá anh vũ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng.
Cặp môi cũng là phần ngon nhất của cá anh vũ vì được cấu tạo từ sụn, tạo cảm giác giòn sần sật khi nhai.
Thịt cá anh vũ trắng, quánh chắc và có hương vị thơm ngon đặc biệt. Theo quan niệm dân gian, thịt loài cá này tính mát, có thể chữa một số loại bệnh tính nhiệt.
Cá anh vũ là một loài cá khó đánh bắt do chúng thường trú ẩn trong hang hốc dưới đáy sông, và chỉ xuất hiện nhiều vào mùa rét.
Muốn bắt loài cá này, cách hữu hiệu nhất là lặn xuống đáy sông dùng lưới quây cá. Cần câu rất ít khi phát huy tác dụng với cá anh vũ.
Ngày nay, do bị đánh bắt quá mức nên cá anh vũ gần như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Tuy vậy, có một thông tin đáng mừng dành cho người mê ẩm thực là cá anh vũ đã được nuôi sinh sản thành công ở Việt Nam.
Dù đã được nuôi nhân tạo nhưng thịt cá anh vũ vẫn rất đắt, khoảng 700.000-1 triệu đồng/kg. Và thường chỉ dân nhà giàu mới mua ăn.
Sở dĩ có chuyện này vì cá anh vũ là một loài cá rất "chảnh", việc nuôi rất kỳ công, tốn kém và phải mất trên 2 năm mới đạt đủ trọng lượng để thịt.