Nhiều tháng liên tục không mưa, hàng nghìn ha cây trồng của bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên bị khô hạn. Hậu quả là trên địa bàn tỉnh Gia Lai có đến 33.855 người dân bị thiếu đói.
Tại tỉnh Kon Tum, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, tính đến ngày 9/3, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 1.000 ha cây trồng bị khô hạn (trong đó lúa nước chiếm khoảng 800 ha), thiệt hại ước tính lên tới gần 80 tỷ đồng. Hiện tại, lượng nước ở nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cạn trơ đáy; 1.000 giếng đào cạn nước, khoảng 300 hộ dân rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Tại Gia Lai, tin từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tính đến ngày 11/3, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.566 ha cây trồng bị hạn hán, trong đó diện tích cây lúa nước là hơn 1.100 ha. Các cây còn lại là cà phê, ngô, đậu…. Đặc biệt, đã có gần 600 ha cây trồng bị mất trắng do thiếu nước kéo dài. Mực nước ở nhiều sông, suối, hồ chứa nước đang xuống rất thấp, thậm chí có nơi đã bị khô kiệt.
Cà phê đang ra hoa bị chết khô do không có nước tưới
Hạn hán không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình do thiếu nước sạch. Và hậu quả nặng nề nhất là rất nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh thiếu đói. Theo bảng tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Gia Lai, tính đến cuối tháng 2/2013, trên địa bàn tỉnh này đã có hơn 8.400 hộ (33.855 khẩu) bị thiếu đói.
Ông Phạm Vũ Tuấn - Trưởng phòng Dự báo đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, nếu tính đến cuối tháng 4, lượng mưa không được cải thiện thì các tỉnh Tây Nguyên sẽ đối diện với đợt hạn hán rất nghiêm trọng.