- Một số nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng Việt Nam sở hữu các tàu ngầm mới, cho rằng tàu ngầm Việt Nam có thể đe dọa tuyến đường biển quan trọng đi qua Eo biển Malacca và Biển Đông.
Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin 2 trong số 6 tàu ngầm diesel-điện mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ được bàn giao trong năm nay, và một số nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng Việt Nam sở hữu các tàu ngầm mới.
Trong số này có Thiếu tướng Doãn Trác, người phát biểu rằng tàu ngầm Việt Nam có thể đe dọa tuyến đường biển quan trọng đi qua Eo biển Malacca và Biển Đông.
Trung Quốc nhập dầu thô và nhiều nguyên liệu khác từ Châu Phi và Trung Đông thông qua những tuyến đường biển này. Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tàu ngầm nước ngoài ở Biển Đông, kể từ khi một căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc được xây dựng gần thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.
Đây sẽ là nơi đóng quân của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc mang tên lửa Julang-2. Chính quyền Trung Quốc cho rằng hoạt động của các lực lượng hải quân nước ngoài trong khu vực là mối đe dọa tiềm tàng đối với lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của nước này.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội đang trong quá trình thử nghiệm trước khi bàn giao.
Gần đây, trên báo chí cũng xuất hiện rất nhiều thông tin khẳng định tàu ngầm Project 636 (lớp Kilo) Việt hiện đại hơn hẳn tàu ngầm Trung Quốc. Tạp chí Bình luận Quân sự Hán Hòa số tháng 4/2011 dẫn nguồn tin là một chuyên gia quân sự Nga cho biết so với tàu ngầm Kilo 636 MK mà hải quân Trung Quốc sử dụng, tàu ngầm Kilo 636 MV mà Nga bán cho Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, thậm chí tiên tiến hơn 10 năm, trong đó lớn nhất là về vũ khí trang bị.
Trước tiên, tàu ngầm Kilo của Việt Nam được lắp đặt tên lửa hành trình tấn công đối đất 3M-14E loại mới nhất, có tầm bắn 290 km. Loại tên lửa này chỉ được Nga bán cho Việt Nam và hai nước khác là Ấn Độ và Algeria. T
hứ hai, tàu ngầm Kilo Việt Nam còn được trang bị radar dẫn đường phức hợp đa tác dụng GE2-01 loại mới nhất. Loại radar này không được xuất khẩu cho Trung Quốc, có ưu điểm lớn nhất là giảm tối đa tạp âm trong môi trường nước và giúp đa dạng hóa biện pháp dẫn đường.
Hệ thống sonar, điều hòa và kính tiềm vọng lắp đặt trong tàu ngầm của Việt Nam cũng đã được cải tiến, hiện đại và phù hợp hơn với khí hậu địa hình.
Tuy nhiên, theo nhận định chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga, ông Vasily Kashin, hợp đồng quân sự giữa Nga và Việt Nam không gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.
Hai tàu ngầm Kilo đầu tiên sẽ được Nga bàn giao cho Việt Nam trong năm nay.
Tàu ngầm Kilo Việt Nam ’xịn’ hơn đứt tàu Kilo Trung Quốc
Thông tin Việt Nam mua tàu ngầm của Nga được công bố trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Liên bang Nga cuối năm 2009. Giá trị của hợp đồng gồm 6 tàu ngầm này là 2 tỷ USD. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử xuất khẩu khí tài hải quân của Nga.
Được biết, trong tháng 2 này, xưởng số 6 của nhà máy đóng tàu Admiralty Verf đã bắt đầu việc cắt kim loại cho chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ sáu, đồng thời, đây cũng là chiếc tàu ngầm cuối cùng trong đơn đặt hàng xuất khẩu 6 tàu ngầm loại này sang Việt Nam - Cổng thông tin Hải quân Trung ương Flotprom.ru của Nga trích dẫn một nguồn tin trong nhà máy Admiralty Verf cho biết.
Nguồn tin còn cho hay, công việc chế tạo vách ngăn hình cầu của khối đầu tiên cho chiếc tàu ngầm Kilo thứ sáu cũng đã bắt đầu theo đúng kế hoạch vào ngày 1/2. Trước đó, đã có thông tin rằng, trong năm 2013, Admiralty sẽ đảm bảo chuyển giao 2 chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên cho Hải quân Việt Nam, đồng thời sẽ hạ thủy 2 tàu Kilo thứ 3 và thứ tư để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu từ phía khách hàng.
Nếu như tiến độ cắt thép hiệu quả, rất có thể, ngay trong năm 2013, Nga sẽ bắt đầu khởi đóng chiếc tàu ngầm Kilo thứ 5 và thứ 6 cho Hải quân Việt Nam.
An Khanh (Tổng hợp từ Vietnam Plus, Phunutoday)