"Đáng lẽ họ phải nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa ra một văn bản thì họ lạingồi vui vui nghĩ ra một văn bản nào đó, nó làm rối loạn xã hội".!
Trao đổi với
Kiến Thức, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc chia sẻ "Những quy định không phù hợp với thực tế nếu không muốn nói là "tráikhoáy" thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của người làm luật. Một phầnkhác, có lẽ vì lâu lâu chưa có cái gì mới, họ đưa ra thế cho có. Vì nóchẳng làm chết ai, nên cũng chẳng ai bị xử phạt".
Chính sách "chệch choạc" là... bình thường
Quy định xử phạt hành chính hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng, Nghị định xử phạt những cá nhân hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng, giao cho xã, huyện phải bắt giữ chó mèo chạy rông... và mới đây nhất là nghị định về sản xuất kinh doanh rượu, đi xe chính chủ, quy định việc tổ chức tang lễ của công chức, viên chức khiến dư luận thấy khó hiểu. Ông có đánh giá gì về những quy định này?
(Cười). Có thể hiểu rất nhiều cách. Xã hội mình dù sao mình còn lạc hậu nên cần phải đổi mới. Bởi thế những "chệch choạc" trong cách làm chính sách là điều bình thường. Đây có thể là sự thử nghiệm của người làm văn bản, chính sách. Phải như thế thì mới tìm ra chính sách đúng chẳng hạn. Đưa ra quy định "trái khoáy" rõ ràng là đáng trách, nhưng cũng nên châm trước cho họ. Đừng nhìn nhận theo cách khắt khe quá.
Châm trước là phải xét đến các yếu tố nào thưa ông?
Hiểu theo cách điều đó là có thể xảy ra chứ không nên trách cứ gì nhiều.
Nhưng làm chính sách mà không nhìn thấy thực tế mà đưa ra những quy định giống như "thả gà ra đuổi" là đáng trách chứ?
Họ làm sao mà nhìn thấy hết tất cả thực tế như thế nào được. Trước khi đưa ra thì phải hỏi ý kiến, phải thông qua nhiều cơ quan, tổ chức. Nhưng nhiều khi quy trình này làm không được chặt chẽ lắm nên mới có những bất cập. Mọi người đều có quyền phạm sai lầm nhưng cũng đều có quyền sửa chữa. Quan trọng là thái độ của người phạm sai lầm như thế nào.
Nhưng rõ ràng với một quy định chi phối hàng triệu người thì quyền được sai lầm sẽ phải hạn chế?
Nếu họ nói chúng tôi làm thử thì nó sẽ khác. Họ không nói như vậy chắc là vì họ tránh và không dám thừa nhận thực trạng là quy định không phù hợp. Nếu bàn trước khi đưa ra thì vấn đề đã khác rồi. Nhưng "ngồi trên trời" làm chính sách thì khó lắm.
Người đưa ra văn bản đó nghĩ gì, trách nhiệm công dân của họ ở đâu?
Cái đó thì chính người làm ra văn bản phải tự nhìn nhận thôi. Nếu có chế tài xử phạt chặt chẽ thì họ sẽ phải nhìn nhận trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói về những quy định "trái khoáy" bị dư luận phản ứng.
Nói thế khác nào tự bôi gio trát trấu vào mặt
Nhiều quy định ra đời nhưng không được ủng hộ đã quay trở lại ngăn kéo xếp xó. Nhưng đến giờ không ai quy trách nhiệm cho người đưa ra quy định đó?
Đúng thế. Nhiều quy định đưa ra rồi, nói ra rồi, nhưng bị bỏ lửng rồi người ta cũng quên luôn.
Vậy đưa ra làm gì, nói làm gì, phải chăng chỉ để cho vui?
Họ đưa ra là họ đã quan trọng hóa vấn đề nhỏ. Khi người dân không hưởng ứng thì họ lại lặng lẽ rút lui. Mà dân cũng không "rỗi việc" để hơi một tí là phản ứng. Họ chỉ thấy bất bình khi quy định không gắn với thực tế, làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn thôi.
Sao họ lại không đàng hoàng tuyên bố là quy định này không phù hợp với thực tế nên rút lại?
Cười. Họ nói thế thì khác nào tự bôi gio trát trấu vào mặt. Hơn nữa, đây cũng là những việc được cho là nhỏ. Nó chẳng làm chết ai cả. Thế là người ta cứ ỉm đi thôi. Ai kiện? Kiện ai đây? Thậm chí những chuyện lớn người ta còn làm như thế cơ mà. Vinashin, Vinalines kia kìa, sai phạm kinh khủng như thế. Nhưng cuối cùng kết luận như thế nào, những ai phải chịu trách nhiệm... thì cũng làm gì có kết luận cuối cùng đâu.
Nói thế thì thất vọng quá!
Đúng là nó làm cho niềm tin của người dân bị giảm đi. Đáng lẽ họ phải nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa ra một văn bản thì họ lại ngồi vui vui nghĩ ra một văn bản nào đó, nó làm rối loạn xã hội.
Thời ông còn làm bộ trưởng thì có nhiều văn bản như vậy không ạ?
Không, hiếm lắm. Lúc đó vừa đổi mới, mọi văn bản chính sách cũng đang trên con đường hoàn thiện thôi. Có lẽ vì thế mà không có người nhàn rỗi ngồi vui vui một tí thì cho ra văn bản.
Dân bất an thì tai họa lắm!
Ở góc độ một người làm luật thì có giải pháp nào cho thực trạng này không thưa ông?
Vấn đề đưa ra rồi thì giải quyết hậu quả thế nào. Bất cứ quy định nào đưa ra cũng phải phù hợp với thực tế thì mới có sức sống. Văn bản phải ban hành theo đúng trình tự, thủ tục như phải lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan và đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình xem xét, ký ban hành. Có lẽ những văn bản này không tuân thủ đúng quy trình như trên hoặc là khi ban hành thì thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng.
Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến những văn bản bị phản ứng như vậy? Phải chăng trình độ của người làm ra văn bản đó có vấn đề?
Nó có nhiều nguyên nhân, có thể do trình độ năng lực, sự quan liêu của người thẩm định. Quan trọng nhất là khâu lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của quy định đã làm không tốt. Để thay đổi thì chỉ cần làm tốt khâu này. Việc lấy ý kiến người dân phải tiến hành rộng rãi, có hiệu quả sau đó mới tính đến có áp dụng hay không.
Có ý kiến cho rằng quy định ban hành chỉ để cho vui. Ông nghĩ sao?
Chắc là họ thấy cuộc sống bằng phẳng, lặng lẽ quá, muốn đưa cái gì đó giật gân nên chọn việc ban hành ra những văn bản gây tranh cãi.
Nhưng làm luật mà cũng thế thì chết!
Có những thứ lúc đầu thì người ta hô hào rất rầm rộ, nhưng rồi khi đưa ra mà bị phản ứng là họ lặng lẽ cho qua thôi. Nó làm cho cuộc sống trở nên bất an, mất lòng tin của người dân thì tai họa lắm. Làm xã hội nặng nề, phản cảm. Lần sau họ sẽ phản ứng ngay từ đầu, kể là văn bản đúng thì họ cũng không quan tâm nữa.
Rõ ràng quy trình ban hành văn bản khá phức tạp, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định trước khi ban hành văn bản. Phải chăng chính Bộ cũng phải chịu trách nhiệm về những văn bản này?
Tôi nghĩ Bộ Tư pháp họ cũng có quá nhiều việc, nhiều văn bản phải làm nên nhiều khi họ không sâu sát được. Tuy nhiên, trách nhiệm một phần cũng là của Bộ.
Từ trước đến nay đã có cá nhân, đơn vị nào bị xử lý vì đưa ra văn bản sai, không phù hợp với thực tế chưa thưa ông?
Làm gì có ai. Cơ sở nào mà xử lý họ, ai xử lý? Đúng thì áp dụng, sai thì cất đi, có chết ai đâu.
Xin cảm ơn ông!
Mới đây có quy định việc tổ chức tang lễ của công chức, viên chức. Điều gây phản ứng nhất là quy định không được dùng quan tài có ô kính. Nhu cầu được nhìn mặt người chết lần cuối cùng như một sự vĩnh biệt, là nhu cầu tự nhiên của con người. Điều đó rất thiêng liêng. Đành rằng là không phô trương lãng phí trong các việc hiếu hỉ, nhưng quy định như vậy là rất bất cập, người ta phản ứng là đúng thôi. Đáng lẽ anh chỉ nên vận động thì họ sẽ chủ động thực hiện thôi.
theo KT