- Tham vọng hạt nhân dường như đang đẩy Bình Nhưỡng rời xa đồng minh thân cận nhất của mình là Trung Quốc.
Trong một đe dọa tiến hành thử hạt nhân công bố ngày 25/1, Triều Tiên đã đưa ra một lời trách móc hiếm hoi tới hai đồng minh thân cận là Trung Quốc và cả Nga khi hai quốc gia này ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc chống lại Bình Nhưỡng.
Triều Tiên coi biện pháp trừng phạt của LHQ liên quan tới vụ phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái là "tuyên bố chiến tranh".
Tờ Chosun Ilbo cho biết, Triều Tiên đã lên tiếng kêu gọi "các nước lớn" cần phải đi đầu trong việc thiết lập "sự công bằng và trật tự" trên thế giới chống lại sự áp đặt của Mỹ.
Mặc dù Triều Tiên không nhắc cụ thể "các nước lớn" là quốc gia nào nhưng các nhà phân tích cho rằng đó chính là Trung Quốc và Nga - 2 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ - và là đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng dường như đang tỏ ra "khó chịu" đối với việc đồng minh thân cận nhất của mình là Trung Quốc lần thứ 3 liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp trừng phạt mới của LHQ bằng đánh giá đó là sự "cân bằng" thay cụm từ "bình tĩnh và kiếm chế" mà nước này vẫn sử dụng. Trong khi đó, Triều Tiên lại gọi nghị quyết mới là một "tuyên bố chiến tranh" chống lại nước này.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã lên án Bình Nhưỡng trong vụ đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc và bắn pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.
Tham vọng hạt nhân đang đẩy Bình Nhưỡng rời xa đồng minh thân cận nhất của mình là Trung Quốc?
Ngày 25/1, Tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng tải một bài xã luận dẫn lời một nguồn tin thân cận ở Bắc Kinh bày tỏ lập trường của nước này đối với vấn đề Triều Tiên bằng cảnh báo thẳng thắn: Trung Quốc sẽ cắt viện trợ nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ 3.
Tờ báo này cũng đã bày tỏ sự không hài lòng với sự thiếu hiểu biết của Triều Tiên về vai trò của Bắc Kinh trong việc ủng hộ lệnh trừng phạt mới của LHQ khi bóng gió nói rằng: "Có vẻ như Triều Tiên không đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc" - Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.
Trong khi đó, tờ Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh ngày 24/1 đưa tin cho biết, tân nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tăng "áp lực đáng kể" đối với Bình Nhưỡng trong nhiệm kỳ tới của mình trong nỗ lực đem lại phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Bằng chứng là nhà lãnh đạo này gần đây đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ kế hoạch thử hạt nhân và bày tỏ hy vọng nước này sẽ quay lại vòng đàm phán 6 bên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đơn phương hủy bỏ Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hôm 25/1.
Triều Tiên đang thử thách phản ứng của Mỹ?
Tờ báo Hàn Quốc cũng cho biết, các phát ngôn viên Trung Quốc thường xuyên kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên, nhưng áp lực sẽ lớn hơn nhiều nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc trực tiếp bày tỏ ủng hộ.
"Đối với Triều Tiên, sự ủng hộ nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt của Trung Quốc là rất đáng thất vọng. Tuy nhiên, với sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, Bình Nhưỡng sẽ không thể bỏ qua nhận xét của ông Tập Cận Bình và tiến tới một vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 3" - nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh nói với tờ Chosun Ilbo.
Tuy nhiên, Yonhap ngày 25/1 dẫn lời Chang Yong-seok, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul, Triều Tiên có thể vẫn sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân, bất chấp sức ép từ đồng minh Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, sau một loạt "phép thử" phản ứng của Mỹ đối với việc thúc đẩy mở rộng kho vũ khí hủy diệt của mình bằng hoạt động phóng tên lửa trong tháng 12/2012.
Ông cho biết Triều Tiên đã sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm mới và có thể sẽ tiến hành vụ nổ hạt nhân thứ 3 trước dịp kỷ niệm ngày sinh của cố nhà lãnh đạo Kim Jong-il (16/2).
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành thử hạt nhân trước lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử vào ngày 25/2.
theo gd